Vụ tai nạn 4 mẹ con tử vong ở Hà Nội: Tài xế xe "hổ vồ" chịu trách nhiệm gì?
Về chế tài hình sự, vị luật sư Hùng phân tích, theo quy định, hành vi của người điều khiển xe tải HOWO gây ra tai nạn làm 4 người chết đã có đầy đủ dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Ngày 17/7, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam lái xe Đàm Văn Lương (SN 1986 xã Cách Linh, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng) để điều tra, xử lý về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Lái xe Đoàn Văn Lương được xác định điều khiển xe ô tô "hổ vồ" (HOWO) va chạm với xe tải, khiến chiếc xe tải này văng vào xe máy do chị H (sinh năm 1992 ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) điều khiển, chở theo 3 người con. Hậu quả, 4 mẹ con chị H tử vong tại chỗ; lái xe tải bị thương, được đưa đi cấp cứu (hiện sức khỏe ổn định).
Sau khi xảy ra tai nạn, Đàm Văn Lương bỏ chạy khỏi hiện trường. Đến 23h45’ ngày 16/7, lực lượng chức năng đã phát hiện và đưa Đàm Văn Lương về Công an huyện Hoài Đức làm việc, khi đối tượng đang lẩn trốn tại 1 nhà nghỉ, trên địa bàn xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Qua xét nghiệm, Đàm Văn Lương dương tính với ma túy.
Qua theo dõi vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, việc điều khiển xe ô tô mà “có chất ma túy trong cơ thể”, “bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm” và “chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe” đều là các hành vi bị cấm theo quy định. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì các hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Về chế tài hành chính, theo luật sư Hùng, hành vi điều khiển xe ô tô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế, quá kích thước giới hạn cho phép của xe, tùy vào mức độ vượt quá trọng tải của xe thì sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 12 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 5 tháng. Còn hành vi điều khiển xe ô tô khi có chất ma túy trong cơ thể sẽ bị xử phạt từ 30- 40 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Cùng với đó, theo luật sư Hùng, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm của người điều khiển xe ô tô sẽ bị xử phạt từ 16- 18 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Về chế tài hình sự, vị luật sư Hùng phân tích, theo quy định, hành vi của người điều khiển xe tải HOWO gây ra tai nạn làm 4 người chết đã có đầy đủ dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Đồng thời, với kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy, hậu quả vụ tai nạn làm chết 4 người và việc bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm (nếu có) thì người lái xe này sẽ phải chịu nhiều tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm b, c Khoản 2 và điểm a Khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt quy định là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Chủ nhân chiếc xe HOWO chịu trách nhiệm gì?
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định, xe tải "hổ vồ" biển kiểm soát 88C-288.49 (loại xe 15 tấn), đăng ký tên chủ xe là bà Nguyễn Thị Th. (SN 1984, ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Trong trường hợp này, luật sư Hùng phân tích, do người điều khiển xe tải HOWO không đứng tên chủ sở hữu chiếc xe ô tô nên cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phải xác định người điều khiển chiếc xe này có phải là chủ sở hữu chiếc xe hay không? Nếu không phải thì cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phải điều tra, làm rõ trách nhiệm của chủ xe trong vụ tai nạn này (nếu có).
Nếu chủ sở hữu chiếc xe tải biết rõ người điều khiển xe có sử dụng ma túy nhưng vẫn giao xe cho người này điều khiển tham gia giao thông thì đã có hành vi “giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ”, đây là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chế tài hành chính, Giám đốc công ty Luật Thiện Duyên cho rằng, tại điểm h Khoản 8 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi “giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)”.
Về chế tài hình sự, luật sư Hùng phân tích, tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phạm “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 10- 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-30 triệu đồng.
Theo luật sư Hùng, theo quy định, do người điều khiển xe tải HOWO đã gây ra tai nạn nghiêm trọng, làm 4 người chết nên hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông của chủ xe (nếu có) đã có dấu hiệu của “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” (Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Trong trường hợp này, chủ xe sẽ phải chịu các tình tiết định khung tăng nặng “làm chết 3 người trở lên” theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 264 Bộ luật hình sự nêu trên, với khung hình phạt là bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm” - luật sư Hùng phân tích.
Về trách nhiệm dân sự, theo luật sư Hùng, nếu người điều khiển chiếc xe tải HOWO gây tai nạn đồng thời là chủ xe thì người này còn phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho các nạn nhân theo quy định. Còn nếu người điều khiển xe tải HOWO không phải là chủ sở hữu chiếc xe mà chỉ là người lái xe thuê cho chủ xe, thì theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự năm 2015, chủ xe sẽ có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại cho các nạn nhân, còn người lái xe gây tai nạn phải có trách nhiệm hoàn trả một khoản tiền cho chủ xe theo quy định của pháp luật. Cụ thể: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.” (Điều 600 Bộ luật dân sự năm 2015).
VOV