Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Quy trình trao con cho “chính chủ” ra sao?
Cả mẹ và bé ngay sau khi sinh đều được đeo lắc điện tử có mã vạch, trong của đó ghi rõ thông tin của mẹ, cân nặng và giới tính của bé.
Vụ việc trao nhầm con cho 2 gia đình ở Bệnh viện Ba Vì, Hà Nội 6 năm về trước, nay gia đình 2 bên phát hiện ra đã khiến những người thân bị tổn thương nặng nề.
Đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc không thể ngờ. Câu chuyện cũng khiến không ít gia đình chuẩn bị sinh con lo lắng.
Sau khi sinh, ngay lập tức em bé được "da kề da" với mẹ |
Chị Nguyễn Huỳnh Hạnh Dung, ngụ TP HCM vừa hạ sinh một bé gái kháu khỉnh tại Bệnh viện Từ Dũ từ đầu giờ chiều. Ngay sau khi sinh, bé được quấn khăn và các nữ hộ sinh đặt em bé vào ngực chị. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, chị vừa ngắm con vừa tìm cách cho con bú trong những giờ đầu tiên.
Chị Dung cho biết: "Trong quá trình tôi được khâu lại, hoàn tất mọi thứ thì bé vẫn nằm trên người mẹ, sau đó mới đưa bé lên cân, để kế bên giường để cho tôi nhìn thấy bé nặng bao nhiêu, bé trai hay bé gái cũng cho xem luôn. Sau đó bé vẫn nằm trên ngực mẹ cho đến khi ra khỏi phòng hậu sản".
Theo chị Lý Bạch Thu Nga, Cán bộ hộ sinh phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Từ Dũ, cả mẹ và bé ngay sau khi sinh đều được đeo lắc điện tử có mã vạch, trong của đó ghi rõ thông tin của mẹ, cân nặng và giới tính của bé.
Ngoài ra, trên đùi của bé còn được ghi thông tin người mẹ bằng một loại mực đặc biệt.
Mọi hoạt động đều làm tại giường để mẹ và người thân kiểm soát, ko cho bé rời xa mẹ |
Mọi hoạt động tắm rửa, thay đồ đều diễn ra trước mặt người mẹ không tách rời một giây phút nào. Vì vậy mà người mẹ có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình đó. Và ngay sau đó nữ hộ sinh cũng trả em bé lại cho sản phụ.
Nữ hộ sinh Lý Bạch Thu Nga nói: "Vì một lý do nào đó bé phải đi khám hay là vấn đề gì mà phải tách ra, ví dụ như là vật lý trị liệu, khám nhi hay là vấn đề đặc biệt thì phải có cùng người thân đi theo, không có một nhân viên y tế nào mà tự ý bế bé đi hết".
Còn tại Bệnh viện Hùng Vương, ngoài việc đeo lắc nhận diện, bệnh viện cũng áp dụng phương pháp "da kề da" theo quy định của Bộ Y tế nhằm giữ ấm cho bé, cũng là cách để mẹ và con không tách rời nhau.
ThS. BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM cho biết: Riêng đối với sản phụ sinh mổ sẽ có quy trình riêng. Người mẹ sẽ có 2 cái lắc, một lắc màu hồng và chiếc còn lại màu trắng, có đầy đủ thông tin cá nhân. Trước khi các bác sĩ bắt đầu chuẩn bị các thao tác sát khuẩn thì người sản phụ tháo chiếc lắc màu trắng để ngay bàn mổ. Khi bác sĩ bắt con xong, các nữ hộ sinh cho bé nằm lên ngực mẹ đến khi máu ở cuống rốn ngưng chảy thì thực hiện kẹp cắt rốn. Bé được cân ngay tại chỗ và đeo vào chiếc lắc màu trắng.
"Cái vòng lắc đó chúng tôi cũng thiết kế 2 size với em bé non tháng thì size nhỏ hơn còn bé đủ tháng thì lớn hơn. Tuy nhiên vẫn có xác suất nào đó mà chân bé non quá, nhỏ xíu thì di chuyển có thể bị tuột. Nên chúng tôi đẩy xe tắm cho bé tại giường.", BS Hằng nói.
Thực hiện ký vào biên bản bàn giao em bé cho mẹ. |
Theo các chuyên gia sản khoa, sự việc trao nhầm con ở Bệnh viện Ba Vì, Hà Nội 6 năm trước là một sự việc rất hy hữu, rất khó xảy ra. Hàng chục năm mới có 1, 2 trường hợp. Nhưng rõ ràng, đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng trao nhầm con xảy ra tại các bệnh viện và quy trình đảm bảo an toàn trẻ sơ sinh ở cơ sở y tế.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, sự việc 2 gia đình bị trao nhầm con là rất đáng tiếc cần phải được chia sẻ, cảm thông với nỗi xót xa của các gia đình. Hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy trình chuẩn, thay vào đó bệnh viện tự xây dựng một quy trình riêng.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi ngày khoảng 200 em bé chào đời, bệnh viện phải ban hành các quy định an toàn trẻ sơ sinh tại rất chặt chẽ, bao gồm quy định chung và các quy định riêng, cụ thể ở từng khâu.
Với 3 biện pháp đồng thời đó là: phương pháp da kề da sau sinh, đeo lắc định danh cho mẹ và bé, vẽ tên mẹ lên đùi bé sẽ đảm bảo rất an toàn, không có sự nhầm lẫn con của sản phụ này với sản phụ khác.
Còn những hoạt động chăm sóc bé cũng được kiểm soát từ chính sản phụ và người thân. Đặc biệt, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải thực hiện đúng quy trình giao nhận trẻ giữa bà mẹ và nhân viên y tế.
Sau vụ việc nhầm lẫn này, các cơ sở y tế, nhân viên y tế càng cần phải nâng cao tính kỷ luật và trách nhiệm trong công việc, siết chặt quy trình chuyên môn, không để xảy ra các sai sót đáng tiếc tương tự, để lại nhiều tổn thương cho người trong cuộc. Còn giờ đây, vì tương lai con trẻ được sống trong tình yêu thương của các bố mẹ - bố mẹ nuôi và bố mẹ đẻ, chúng ta chờ đợi những hành xử nhân văn của các bên, để các gia đình được êm ấm, hạnh phúc hơn.
VOV