MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VỤ TRÚNG THẦU MỎ CÁT HƠN 2.800 TỈ ĐỒNG: Bỏ tiền ký quỹ hay chịu lỗ ngàn tỉ?

13-04-2021 - 09:53 AM | Xã hội

Ngày 12-4, bà Đặng Nguyễn Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang (thuộc Sở Tư pháp An Giang) - cho biết trung tâm này đã được UBND tỉnh An Giang chọn làm đơn vị tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) và mỏ cát trên sông Hậu thuộc thủy phận xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú.

Theo đó, giá khởi điểm mà UBND tỉnh An Giang đưa ra để tham gia đấu thầu quyền khai thác đối với mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng hơn 3 triệu m3 là 7,2 tỉ đồng. Trong khi đó, mỏ cát trên sông Hậu có giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng, cho trữ lượng khai thác vào khoảng 1,5 triệu m3. Sau rất nhiều vòng đấu, Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu đã giành quyền khai thác đối với mỏ cát trên sông Hậu với giá 273 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra khi lần đầu tiên có doanh nghiệp (DN) đến từ TP HCM là Công ty TNHH Dịch vụ T.S Home đã trúng quyền khai thác tại mỏ cát trên sông Tiền với giá 2.811 tỉ đồng.

"Khi tổ chức cuộc đấu giá 2 mỏ cát trên, chúng tôi thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật để bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, khách quan cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá và đơn vị là chủ tài sản được đấu giá. Chính nhờ cách làm đó đã mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước khi 2 DN trúng quyền khai thác 2 mỏ cát với tổng số tiền hơn 3.000 tỉ đồng cho địa phương" - bà Châu khẳng định.

Bà cho biết để giữ được quyền khai thác cát thì DN phải nộp tiền cọc tương đương 15% giá khởi điểm. Do đó, nếu DN trúng thầu không thực hiện điều này trong thời gian nhất định thì trung tâm sẽ hoàn thành hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xem xét để tiến hành các thủ tục đấu giá lại quyền khai thác mỏ cát. Vì vậy, sẽ không có chuyện DN trúng đấu giá lại "bỏ chạy" rồi trao quyền khai thác cát cho DN có giá bỏ thầu cao kế tiếp như nhiều người đã đề cập.

 VỤ TRÚNG THẦU MỎ CÁT HƠN 2.800 TỈ ĐỒNG: Bỏ tiền ký quỹ hay chịu lỗ ngàn tỉ?  - Ảnh 1.

Khúc sông Tiền đoạn đi qua thủy phận giáp ranh xã Bình Phước Xuân với huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng các ngành chức năng đã tính toán khá kỹ lưỡng về trữ lượng cát cũng như tất cả loại thuế, phí mà các DN phải chịu trước khi đưa ra mức giá khởi điểm. Tuy nhiên, các DN có quyền đưa ra mức giá để giành quyền khai thác như thế nào, cũng tùy khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm của họ. "Thực hư câu chuyện này sẽ được làm rõ trong thời gian sớm nhất sau khi UBND tỉnh gặp gỡ DN trúng thầu" - ông Bình nói.

Trong khi đó, ông Bùi Văn On, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu, đã tham gia đấu thầu 3 mỏ cát trên sông Hậu thuộc thủy phận xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân) và trên sông Tiền (thuộc thủy phận xã Bình Phước Xuân) theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang vào ngày 29-3. Theo đó, ông On đã trúng thầu 2 mỏ cát trên sông Hậu, riêng đối với mỏ cát trên sông Tiền, ông On đấu đến mức giá 1.400 tỉ đồng thì bỏ cuộc để cho Công ty TNHH Dịch vụ T.S Home thắng đấu giá vì đưa ra mức giá 2.811 tỉ đồng.

"Tôi nghĩ DN này nên chấp nhận mất hơn 1,4 tỉ đồng cho số tiền ký quỹ để thực hiện đấu thầu thay vì chịu lỗ hơn 1.000 tỉ đồng khi bắt tay vào khai thác. Bởi khi đó, DN còn phải nộp 10% thuế GTGT, 15% thuế tài nguyên trên giá bán theo thị trường và phí bảo vệ môi trường với mức 4.000 đồng/m3 cát. Do đó, số tiền mà DN phải bỏ ra là vô cùng lớn chứ không phải hơn 2.800 tỉ đồng" - ông On nói.

Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home được thành lập ngày 23-1-2018 tại địa chỉ số 14 đường số 11, khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM.

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của T-S. Home là ông Hồ Quang Thái Dũng. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là chuẩn bị mặt bằng, chi tiết làm sạch mặt bằng xây dựng; đào, lấp, san và ủi tại các mặt bằng xây dựng; khoan thăm dò, khoan lỗ kiểm tra, lấy mẫu thử để kiểm tra về địa chất, vật lý. Ngoài ra, công ty còn đăng ký hàng loạt ngành nghề khác trong lĩnh vực xây dựng, buôn bán máy móc, thiết bị, phụ tùng, hoàn thiện công trình xây dựng, dịch vụ đóng gói...

Trong khi đó, tại bố cáo công bố nội dung đăng ký thành lập mới, công ty này có ngành nghề kinh doanh chính trước đó là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú; hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ gia đình; dịch vụ chăm sóc và duy trì cảnh quan; vệ sinh chung nhà cửa...

Tại thời điểm đăng ký từ tháng 1-2018 đến tháng 2-2018, vốn điều lệ của T-S.Home là 9 tỉ đồng với 2 thành viên góp vốn. Cụ thể, ông Hồ Quang Thái Dũng góp 5 tỉ đồng và bà Huỳnh Thị Phượng góp 4 tỉ đồng.

Đến tháng 7-2020, công ty này có đăng ký thay đổi vốn điều lệ từ 9 tỉ đồng lên 27 tỉ đồng, với phần vốn góp của ông Hồ Quang Thái Dũng từ 5 tỉ đồng lên 23 tỉ đồng, trong khi phần vốn góp của bà Huỳnh Thị Phượng không thay đổi.

Đáng lưu ý, DN này từ ngày đăng ký thành lập đến khi công bố thông tin vào cuối năm 2020 chỉ có 2 nhân sự.

T.Phương

Theo Thốt Nốt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên