Vụ trưởng Đê điều: Văn bản của Hà Nội nói hạ cốt đê dễ gây hiểu nhầm!
Vụ trưởng Vụ đê điều, Tổng cục Thủy lợi cho biết, nguy cơ lũ lớn xảy ra trên sông Hồng là hiện hữu, vì thế an toàn đê điều là giải pháp số một, không thể lơ là.
Liên quan đến việc UBND Hà Nội muốn điều chỉnh kết cấu đê Hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương để mở rộng đường Nghi Tàm, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều thuộc Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Tổng Cục Thủy lợi sẽ họp lấy ý kiến về đề xuất của Hà Nội muốn hạ cao trình mặt đê Sông Hồng để mở rộng đường Nghi Tàm. Ảnh Nguyễn Lê
Ông Thành cho biết, ngày 31/10/2016, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn số 6251/UBND-KT gửi Bộ NN&PTNT về việc thỏa thuận phương án thiết kế dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương- đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Trên cơ sở ý kiến của các hội, chuyên gia trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, đến ngày 7/12/2016, Bộ NN&PTNT đã có văn bản 10309/BNN-TCTL do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng ký, trả lời về việc này.
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan phải có phương án thiết kế đảm bảo cao trình mặt đê đất (cao trình đỉnh đê hiện trạng +15,6m) sau khi hạ thấp không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình (+13,5m).
Tuy nhiên, ngày 24/1/2017, UBND TP Hà Nội lại có văn bản số 326/UBND-ĐT đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất phương án cho hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ Khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ +12,4m.
“Tại văn này, Hà Nội muốn điều chỉnh thêm, hạ thấp phần đất xuống nữa và muốn Bộ NN&PTNT xem xét thêm về giải pháp”, ông Thành nói.
“Trong văn bản của Hà Nội có nói hạ cốt đê dễ gây hiểu nhầm. Về bản chất không phải là Hà Nội muốn hạ đê mà muốn thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép, tương tự như con đường gốm sứ”, ông Thành giải thích.
Ông Thành cho biết, Bộ NN&PTNT cũng đã thống nhất với phương án thiết kế thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép của UBND Hà Nội.
Tuy nhiên đây là tuyến đê cấp đặc biệt có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội nên phải đặc biệt lưu ý.
“Điều quan trọng bây giờ là hạ đến đâu, làm đê bê tông cốt thép như thế nào để đảm bảo nhiệm vụ quan trọng số một là chống lũ, kết hợp giao thông để giải quyết tình trạng ùn tắc, đồng thời tạo cảnh quan đô thị và các mục tiêu khác của thành phố”, Vụ trưởng Vụ đê điều cho hay.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Tổng cục Thủy lợi sẽ có cuộc họp với các bên liên quan, các chuyên gia, hội để lấy ý kiến vào sáng thứ 2 tuần sau.
Trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp, UBND Thành phố Hà Nội cho rằng việc hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (khoảng 1.100m) đến cao độ +12,4m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh, hai bên nhà dân.
Theo lý giải của Hà Nội, phương án thiết kế này đã được áp dụng với đoạn đê hữu Hồng phía Hạ lưu và đến nay đoạn đê này vẫn đảm bảo an toàn.
Đáng chú ý, UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, thượng nguồn Sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện (thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…), các đập thủy điện này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng.
Ông Thành cho biết, trong năm 2015- 2016, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo rà soát xây dựng Quy hoạch Phòng chống lũ và Quy hoạch Đê điều hệ thống Sông Hồng, sông Thái Bình. Thông qua quy hoạch, các nhà nghiên cứu, đơn vị nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ lũ lớn xảy ra trên sông Hồng là hiện hữu. Quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016.
“Tại sao nguy cơ hiện hữu vì có những vấn đề sau: Các hệ thống đập thủy điện có thể cắt được lũ nhỏ thường xuyên nhưng khi xảy ra thiên tai cực đoan, hệ thống hồ muốn đảm bảo an toàn phải xả lũ nên nguy cơ lũ lớn xảy ra. Theo tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi, với lũ chu kỳ 300 năm thì mực nước sông Hồng sẽ vượt cao trình mặt đê 2,5m. Điều này đã được tính toán. Hơn nữa, thượng lưu sông Hồng chủ yếu ở Trung Quốc, vì thế họ vận hành, an toàn như thế nào, khi có sự cố thì mình không thể biết được, không thể tính được”, ông Thành cho hay.
Chính vì vậy, theo ông, an toàn đê điều là giải pháp số một trong phòng chống lũ ở sông Hồng, sông Thái Bình và không thể lơ là việc này.