MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế kể chuyện ít người biết về xây dựng thuế bảo vệ môi trường

Trao đổi về luật thuế bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính đã chia sẻ những câu chuyện bên lề về quá trình xây dựng pháp luật mà nhiều người hiện chưa biết.

Chuyện nước hoa hồng, nước hoa nhài

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho rằng có nhiều sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường. Nhưng để đưa các sản phẩm vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường thì cần phải định danh cụ thể tên và bảo đảm tên đó không thay đổi trong suốt quá trình thực thi luật.

Ông Thi cho rằng khó khăn khi làm luật là phải tính tới việc thực thi trong thực tế. Các cửa khẩu có thể “ầm ĩ” và “lộn xộn” lên nếu luật không rõ ràng. Trong khi đó, chỉ tính riêng mặt hàng chất tẩy rửa đã có tới 4.000 chất và rất khó có thể định danh tất cả.

“Tôi chỉ nói nước tẩy trang của chị em thôi, hôm nay nước hoa hồng, mai nước hoa nhài, ngày kia chưa biết gọi nước hoa gì? Rõ ràng rằng vào cửa khẩu không thể đặt thu thuế bảo vệ môi trường được, bởi vì không định danh rõ, thu ngay lập tức thì lộn xộn. Chỉ một hai sản phẩm là ầm ĩ các cửa khẩu lên ngay. Đấy là câu chuyện rất thực tế” – ông Phạm Đình Thi nói.

Quy trình xây dựng chính sách rất phức tạp

Trong việc xây dựng các quy định, ông Thi cũng kể ra rất nhiều khó khăn. Chia sẻ về Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, ông Thi cho biết cần nhất là phải có bộ quy chuẩn để biết cách thức xử lý đối với mỗi chất. Khi biết được các chất phải bọc mấy lớp và chôn ở độ sâu bao nhiêu thì mới có cơ sở để tiếp tục xây dựng quy định.

Tuy nhiên, cần một thời gian dài nữa để Nghị định được hoàn chỉnh. Theo ông Thi, Bộ Tài chính phải tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện rồi đề xuất chính sách để đưa ra xin ý kiến. Tổ chức, cá nhân đều nhận được văn bản giải đáp các thắc mắc với các đề xuất đăng tải trên website của Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài chính.

Các văn bản xin ý kiến cũng được cơ quan này gửi đến Mặt trận Tổ quốc, các hiệp hội liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UBND các địa phương, bộ ngành,... Quá trình tổng hợp ý kiến, tiếp thu và giải trình tiếp tục diễn ra.

Sau khi được xin ý kiến, Bộ Tư Pháp sẽ thành lập hội đồng thẩm định gồm có 22 thành viên đại diện của 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Ông Phạm Đình Thi cho biết đại diện Bộ tài chính là “khổ chủ” đến để trình bày lại các tổng kết, đánh giá, đề xuất phương án. Đại diện các bộ ngành lại tiến hành cho ý kiến để Bộ Tài chính tổng hợp và trình lên Chính phủ.

Khi được đưa ra trong phiên họp xây dựng pháp luật của Chính phủ, các ý kiến của các thành viên tiếp tục được Bộ Tài chính tiếp thu. Nếu được Chính phủ chấp thuận đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, Bộ Tài chính lại được đưa thông tin lên website và gửi văn bản đi xin ý kiến các cơ quan như bước đầu tiên.

Do đó, công tác xây dựng quy định pháp luật thường mất rất nhiều thời gian. “Khi nghe thông tin mà không phân tích thông tin thì chúng ta thấy rằng các ông quan liêu hết. Nhưng không phải thế!” - ông Phạm Đình Thi khẳng định.

Nguyễn Diệu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên