Vụ Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB: Đã khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục
Chiều nay 22-11, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức họp báo thông báo về cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Việt Thắng
Tại cuộc họp báo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết cuộc họp của Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Văn Dũng, từ sau phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 1-2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo, có vụ vượt kế hoạch đề ra.
Nổi bật là từ sau phiên họp 23 đến nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo.
Còn từ sau phiên họp 24 đến nay, đã khởi tố mới 3 vụ án/9 bị can, khởi tố bổ sung 95 bị can trong 12 vụ án; kết luận điều tra 7 vụ án/174 bị can, kết luận điều tra bổ sung 3 vụ án/21 bị can; truy tố 5 vụ án/71 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/38 bị cáo; xét xử phúc thẩm 5 vụ án/11 bị cáo.
Nhất là đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can (trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương).
Vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op.
Hoàn thành xét xử sơ thẩm 5 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: (1) Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; (2) Vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; (3) Vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; (4) Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn II); (5) Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và đơn vị có liên quan.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc nổi cộm, có nhiều dư luận, liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập,...
Đáng chú ý, trong đó Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức Đảng liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Đến nay, đã hoàn thành 3 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 26 tổ chức Đảng, 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm: 3 nguyên Bí thư tỉnh uỷ; 4 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh).
Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đến các cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.
Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có chuyển biến tích cực.
"Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỉ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 49,44%" - ông Đặng Văn Dũng nói.
nld.com.vn