Vụ việc phụ huynh phản đối tiếp tục đóng học phí cả trăm triệu đồng dù tiền trước đó chưa dùng đến: Trường Quốc tế Việt Úc chính thức phản hồi
Sau một loạt email bày tỏ ý kiến phản đối đóng tiền học phí kỳ 4 của các phụ huynh, trường Quốc tế Việt Úc đã gửi thư phản hồi.
- 17-04-2020Thêm 1 trường Quốc tế có học phí gần 700 triệu đồng/năm yêu cầu đóng tiền học quý 4 dù đang nghỉ dịch, thậm chí phạt khi nộp chậm
- 27-02-2020Đi học trở lại, học sinh không phải đóng học phí tháng 2, không phải học bù thứ Bảy, Chủ nhật
- 20-12-2019Tăng học phí trường công chất lượng cao: Không có chỗ cho học sinh nghèo
Liên quan đến vụ đóng học phí kỳ 4 năm học 2019-2020 gây tranh cãi mấy ngày vừa qua , tối 17/4, trường Quốc tế Việt Úc (VAS) đã gửi email phản hồi đến tất cả phụ huynh thuộc 7 cơ sở của trường tại TP.HCM.
Thông báo của trường cho biết lý do chậm phản hồi: "Trong những ngày gần đây, Nhà trường nhận được nhiều phản hồi của Quý phụ huynh. Nhà trường ghi nhận và lắng nghe một cách trân trọng, đầy đủ, thấu đáo để mối quan hệ của chúng ta ngày càng tốt hơn.
Giai đoạn giãn cách xã hội chung, Ban Lãnh đạo VAS, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài cũng đang đối diện với một số trở ngại gây nên bởi dịch bệnh. Do đó, phần nào đã ảnh hưởng đến việc kịp thời phản hồi lại với Quý phụ huynh. Nhà trường rất lấy làm tiếc và mong Quý phụ huynh hiểu, thông cảm".
Thư phản hồi gửi phụ huynh từ trường Quốc tế Việt Úc.
Nói về vụ tiếp tục thu học phí học kỳ 4 trong khi học sinh đang nghỉ học không đến trường. Trường Quốc tế Việt Úc cho hay: "Hiện nay, Nhà trường đang tích cực tổng hợp các ý kiến của Quý phụ huynh để đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại một cách hợp tình, hợp lý, cùng nhau chia sẻ khó khăn giữa Nhà trường và Quý phụ huynh. Các giải pháp sẽ được phản hồi trong thời gian sớm nhất".
Như vậy, đối với 2 thông báo gửi ngày 9/4 và 11/4 vừa qua trường Quốc tế Việt Úc sẽ thay thế bằng thông báo mới và bày tỏ sự cầu thị "Nhà trường khẩn thiết mong Quý phụ huynh vui lòng kiên nhẫn cho Nhà trường thêm thời gian.
Trong thời gian này, Nhà trường và Quý phụ huynh cùng hiểu rằng tất cả những trao đổi đều nhằm tạo điều kiện cho các học sinh được tiếp tục học tập trong môi trường tốt nhất. Chúng ta cùng nhau phối hợp trên tinh thần tích cực, tôn trọng, không gây ảnh hưởng và tạo điều kiện cho các em học sinh hoàn thành chương trình học dù trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Trường Quốc tế Việt Úc.
Trước đó, trong thư gửi phụ huynh ngày 9/4, Trường cho biết: "Dù học phần mới đã bắt đầu trễ hơn dự kiến nhưng chúng tôi cần đảm bảo quý phụ huynh thực hiện việc thanh toán học phí đúng thời gian vì nhà trường cần tiếp tục công tác giảng dạy trực tuyến và giao bài học tại nhà cho học sinh.
Chúng tôi đã gia hạn thời gian thanh toán thêm 4 tuần và các chi phí chưa thanh toán cho học phần 4 của năm học 2019-2020 cần được hoàn thành trước thời hạn cuối cùng là ngày 25/4".
Như vậy, trước hạn cuối cùng của đợt thanh toán, phụ huynh phải đóng học phí phần 4 (trường thu học phí 4 phần/năm hoặc đóng cả năm) cùng với các chi phí kèm theo như ăn uống, xe đưa đón. Trong khi đó, học phí học, tiền ăn và xe đưa đón phần 3 đóng cho Nhà trường trước Tết Nguyên đán vẫn chưa sử dụng đến.
Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ đóng thêm 20 triệu đồng/học sinh tiền phí giữ chỗ cho năm học mới trong khi năm học này chưa kết thúc.
Với mức học phí từ 143-425 triệu đồng/năm/học sinh khiến phụ huynh đồng loạt phản đối vì phải tiếp tục đóng tiền cho con trong khi con vẫn đang nghỉ học ở nhà vì dịch và chưa biết đến khi nào quay trở lại trường.
Sau đó, trường đã gửi thông báo chỉ đóng học phí học phần 4, không đóng tiền ăn uống và xe đưa đón, tuy nhiên phụ huynh vẫn không đồng tình và tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến UBND TP HCM và Sở GD-ĐT.
Phụ huynh yêu cầu Nhà trường trả lời cụ thể những vấn đề thắc mắc liên quan đến chi phí học online, xác định lại mức học phí khi học sinh không được thụ hưởng các hoạt động liên quan tới hoạt động ngoại khóa, năng khiếu, cơ sở vật chất của nhà trường trong thời gian nghỉ dịch, chi phí các khoản liên quan tới ăn uống, y tế, vệ sinh... của học sinh trong thời gian không đi học.
ICT Việt Nam