MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ VN Pharma: Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2009- 2014 là những ai?

19-09-2019 - 14:53 PM | Xã hội

Trong vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), những cá nhân có trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời điểm năm 2009 - 2014 là những ai?

Liên quan vụ buôn bán thuốc chữa ung thư của VN Pharma, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan để điều tra làm rõ.

Cục Quản lý dược và các cơ quan, đơn vị được xác định có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada

Vụ VN Pharma: Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2009- 2014 là những ai? - Ảnh 1.

Hình ảnh các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma - Ảnh: Phạm Dũng

Trước đó, tháng 5-2019, cơ quan điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma cùng 11 đồng phạm về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Kết quả điều tra xác định Công ty cổ phần VN Pharma được thành lập từ tháng 10-2011 do Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu loại thuốc thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam.

Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ nêu trên. Sau khi làm giả các giấy tờ, Hùng chỉ đạo cấp dưới trình hồ sơ lên Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xin cấp phép.

Vụ VN Pharma: Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2009- 2014 là những ai? - Ảnh 2.

Giấy phéo do Cục Quản lý dược cấp - Ảnh: Phạm Dũng


Vụ VN Pharma: Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2009- 2014 là những ai? - Ảnh 3.

Từ đây, Cục Quản lý dược thành lập tổ thẩm định do ông Nguyễn Tất Đạt, hiện là Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (khi đó là Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược) làm tổ trưởng gồm 3 nhóm, nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng, nhóm thẩm định dược lý và nhóm thẩm định pháp lý hồ sơ. Căn cứ kết quả thẩm định, ông Trương Quốc Cường, khi đó là Cục trưởng Cục quản lý dược (hiện ông là Thứ trưởng Bộ Y tế) đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc.

Ngoài việc truy tố 12 bị can trong vụ VN Pharma (tháng 7-2019), VKSND Tối cao đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để điều tra làm rõ trách nhiệm của cán bộ, chuyên gia thẩm định cấp giấy phép đối với hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita của công ty VN Pharma.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận về việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 10 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada sản xuất (viết tắt là Công ty Helix); cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty Helix năm 2014 và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.

Vụ VN Pharma: Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2009- 2014 là những ai? - Ảnh 4.

Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn (đứng) và Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (ngồi) tại buổi Thanh tra Chính phủ công bố thanh tra vụ VN Pharma - Ảnh: Tri thức trẻ

Thanh tra Chính phủ cho rằng những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300. Trong 3 năm (2012-2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).

Bộ Y tế cũng chưa quy định nội dung hồ sơ, hình thức, biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài và việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các trường hợp cụ thể phải tiến hành kiểm tra, xác minh cơ sở nước ngoài sản xuất thuốc, việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các biện pháp nghiệp vụ để tổ thẩm định có căn cứ đánh giá, xác minh doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thuốc trước khi trình duyệt, cấp phép nhập khẩu thuốc.

Kết luận nêu rõ để xảy ra những sai sót trong việc nhập khẩu, cấp giấy đăng ký với 10 loại thuốc trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành thông tư; đồng thời lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT-BYT cho phù hợp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong giai đoạn 2011-2014, ông Trương Quốc Cường giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế (ông Cường được bổ nhiệm giữ chức vụ này từ năm 2007). Ngày 25-4-2013, ông Cường được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam.

Vụ VN Pharma: Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thời kỳ 2009- 2014 là những ai? - Ảnh 5.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường, người đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý dược thời kỳ 7-2007 đến tháng 11-2016

Ngày 21-11-2016, ông Trương Quốc Cường được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định 2258/QĐ-TTg.

Cũng trong giai đoạn này (từ năm 2007-2011), ông Nguyễn Quốc Triệu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế.

Từ tháng 8-2011 đến nay, vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế được do bà Nguyễn Thị Kim Tiến (nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế) đảm nhiệm.

Ông Trương Quốc Cường là người ký văn bản tố vụ VN Pharma

Trước đó, tháng 10-2017, liên quan đến vụ xét xử phúc thẩm "buôn lậu", "làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức" tại Công ty VN Pharma, Bộ Y tế đã gặp gỡ báo chí và chia sẻ thông tin người ký quyết định cho phép VN Pharma nhập lô thuốc ung thư nghi là giả và người ký văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc là ông Trương Quốc Cường, hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định đã làm đúng các quy định của pháp luật về cấp phép, văn bản pháp luật quy định, Cục Quản lý dược không có trách nhiệm và không thể xác định được việc VN Pharma làm giả giấy tờ một cách có tổ và tinh vi như kết luận điều tra, kháng nghị của VKS đã nêu.

Liên quan đến vụ án VN Pharma, Bộ Y tế đã nghiêm túc nhận khuyết điểm, thiếu sót nhất định trong quản lý và hoàn thiện cơ chế quản lý để ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra. Đồng thời thực hiện việc luân chuyển lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý dược, thay thế và bổ sung các chuyên gia thẩm định. Cụ thể, ông Nguyễn Tất Đạt thôi phụ trách Phòng Quản lý kinh doanh dược, ông Phan Công Chiến thôi không làm Nhóm trưởng Nhóm thẩm định pháp chế thuộc Tổ Chuyên gia thẩm định hồ sơ nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký, bà Lê Thúy Hương không được phân công tham gia thẩm định bất kỳ loại hồ sơ nào tại Cục Quản lý được, thay thế, bổ sung chuyên gia thẩm định nhóm pháp chế và nhóm tiêu chuẩn chất lượng.

Cắt tất cả các danh hiệu thi đua đối với tập thể và cá nhân có liên quan thuộc Phòng Quản lý kinh doanh dược - Cục Quản lý dược. Xử lý hành chính, yêu cầu các cán bộ liên quan và chuyên gia thẩm định báo cáo, giải trình và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Theo Quốc Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên