Vựa cá chép đỏ ở xứ Thanh tất bật chuẩn bị phương tiện cho ông Công, ông Táo về trời
Đã thành thông lệ, cứ khoảng 20 tháng Chạp hàng năm, làng nuôi phương tiện cho ông Công ông Táo về trời lớn nhất Thanh Hóa lại tấp nập kẻ bán người mua.
- 12-01-2023Làng cá chép đỏ nổi tiếng Phú Thọ rộn ràng dịp ông Công ông Táo
- 16-03-2022Nuôi cá chép giòn với thức ăn đặc biệt nhập ngoại, lão nông miền Tây thu tiền tỉ mỗi năm
- 24-01-2022Giá cá chép tăng gần gấp đôi trước ngày đưa ông Táo
Theo truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Cá chép đỏ là "phương tiện" được người dân bao đời dùng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Cá chép đỏ thường được người dân dùng để cúng vào ngày 23 tháng Chạp để cho ông Công ông Táo về chầu trời
Từ đó, để chuẩn bị cho ngày này, bắt đầu từ 18 đến 22 tháng Chạp, các hộ nuôi cá chép ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa lại tập trung nhân lực, máy móc để hút nước, kéo lưới, đánh cá khỏi ao cho vào các bể tạm chờ thương lái tới mang đi khắp nơi tiêu thụ.
Được biết, trong năm nay, giá bán cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong dao động từ 100.000 đồng/kg-120.000 đồng/kg (loại 20-40 con/kg), thấp hơn năm trước. Trước đây, cá chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh, nhưng nhiều năm trở lại đây nhiều thương lái đã tới đặt hàng đưa đi các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế... để tiêu thụ.
Hình ảnh người dân thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thu hoạch cá chép đỏ để chuẩn bị phương tiện cho ông Công, ông Táo về trời:
Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ thôn Bái Trúc, thị trấn Tân Phong) thu hoạch cá để chuẩn bị xuất bán. Năm nay gia đình ông Tiến nuôi cá trên diện tích khoảng 2.500 m2
Năm nay giá cá dao động từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với năm trước (năm trước giá từ 160.000 đồng -180.000 đồng/kg)
Tuy nhiên, do thời tiết thuận lợi, sản lượng cá của người dân thị trấn Tân Phong lại đạt năng suất cao hơn nhiều, cá khỏe và rất đẹp
Cá chép sau khi thu hoạch tại ao sẽ được người dân thả vào các bể bê-tông để thương lái tới đóng bao vận chuyển đi các địa phương trong và ngoài tỉnh tiêu thụ
Bắt đầu từ ngày 18 đến 22 tháng Chạp, các hộ nuôi cá ở đây bắt đầu tập trung nhân lực thu hoạch cá trong ao, để chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo
Cá chép được người dân lựa chọn rất kỹ sao cho cá khỏe, đều nhau
Cá chép ở thị trấn Tân Phong nổi tiếng có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe… nên rất được ưa chuộng
Theo thống kê, hiện thị trấn Tân Phong có khoảng hơn 200 hộ nuôi cá. Bắt đầu 3 tháng cuối năm, người dân nơi đây tập trung nuôi cá chép đỏ để cung ứng ra thị trường phục vụ ngày 23 tháng Chạp
Nghề nuôi cá chép đỏ này đã giúp nhiều hộ gia đình nơi đây có được một nguồn thu nhập ổn định mỗi dịp Tết đến Xuân về
Hầu hết người nuôi cá tại đây mỗi vụ cũng kiếm được 20-30 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, bởi loại cá này cũng dễ sống, đầu tư không lớn, thời gian cho thu hoạch ngắn
Người lao động