'Vua chuối' Long An: Xuất khẩu sang Nhật vì chọn cách khó để làm
Công ty TNHH Huy Long An xuất khẩu chuối qua nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, Campuchia và Philippines là hai đối thủ đáng gờm của chuối Việt Nam.
- 02-11-2021Siêu thị châu Âu đua nhau "đạp giá", nông dân trồng chuối Nam Mỹ khốn khổ
- 09-09-2021Trung Quốc nhập khẩu trở lại thanh long và chuối của Việt Nam
Ông Võ Quan Huy chọn trồng chuối vì đây là loại cây có thể hội nhập được, thế giới có nhu cầu lớn và có lợi thế cạnh tranh. Ảnh: HP
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, được mệnh danh là “vua chuối" của tỉnh Long An. Doanh nghiệp của vị doanh nhân này đang xuất khẩu chuối qua nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vừa trồng vừa hợp tác cùng nông dân với quy mô vườn chuối gần 500 ha. Người Đồng Hành đã có cuộc chia sẻ với vị "vua chuối" về sự phát triển của doanh nghiệp, câu chuyện xuất khẩu sang Nhật Bản và những ảnh hưởng Covid-19 trong năm qua.
- Ông bắt đầu trồng chuối từ năm 2015. Cơ duyên nào khiến ông khởi nghiệp với loại nông sản này?
- Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được đàm phán và ký kết, tôi chọn loại cây có thể hội nhập được và thế giới có nhu cầu lớn, có lợi thế cạnh tranh. Lúc đó, thị trường chuối có giá trị 15-17 tỷ USD/năm nên tôi chọn khởi nghiệp với cây chuối.
Những ngày đầu khởi nghiệp với cây chuối, nhân lực là một trong những vấn đề khó. Trồng chuối đòi hỏi người nông dân phải có tay nghề, phải ghi chép cẩn thận ngày bón phân, xịt thuốc, để cách ly với thời gian thu hoạch nhưng kỹ năng của nông dân còn hạn chế. Còn với kỹ sư nông nghiệp, những kiến thực học trên trường không áp dụng được vào thực tế nhiều nên phải học hỏi và trau dồi thêm.
Đến nay, công ty chúng tôi vừa tự trồng, vừa hợp tác với nông dân tại Tây Ninh, Đồng Nai và Long An với tổng diện tích gần 500 ha. Trung bình 1 ha cho sản lượng 40-50 tấn. Trung bình cứ 1 ha cần 1,5 người vừa đóng gói, vừa chăm sóc, vừa thu hoạch.
Cơ duyên tìm tới đối tác Nhật
- Phần lớn sản phẩm chuối của Huy Long An là để xuất khẩu. Tại sao ông lại chọn con đường này?
- Khi trồng tôi đã nhắm đến sản phẩm sẽ xuất khẩu cho thị trường Nhật. Mặc dù đây là thị trường khó tính nhưng tôi chọn vì ít người cạnh tranh và khi làm được sẽ ổn định. Thị trường nội địa dễ hơn nhưng nhiều người cạnh tranh. Tôi chọn việc khó để làm.
Mới đầu, đối tác Nhật đưa ra những điều khoản chặt chẽ nhưng cơ bản vẫn dựa trên tinh thần xây dựng và hợp tác. Có những trường hợp mình không lường trước được và buộc phải trao đổi lại phía bạn hàng bên Nhật. May mắn là phía Nhật đồng ý.
Hiện nay, Đồng Nai nói chung và Trảng Bom nói riêng là vùng trồng chuối lâu đời ở Việt Nam (trên 50 năm) từ chuối bản địa đến chuối xuất khẩu, nhưng cấp cho thị trường Trung Quốc là chính, mang tính chất mùa vụ và tiềm ẩn rủi ro cho người trồng chuối.
Trong khi đó, Huy Long An xuất khẩu đa dạng tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Thị trường Nhật mỗi năm nhập khoảng 1,2 triệu tấn, Hàn Quốc là 1 triệu tấn. Sản phẩm của Huy Long An tiêu thụ trong nước chỉ vài phần trăm. Những năm tới, chúng tôi vẫn là tập trung vào xuất khẩu.
- Lúc bắt đầu xuất khẩu, ông đã tiếp cận đối tác như thế nào, làm sao đạt được sự tin tưởng của khách hàng nước ngoài?
- Mới đầu, thực ra lúc đó công ty chưa chủ động trong việc tìm đối tác. Hệ thống hạ tầng đồng ruộng của Huy Long An được thiết kế khá độc đáo gồm: cáp chống đổ ngã, thu hoạch bằng hệ thống ròng rọc, có nhà đóng gói và kho bảo quản... Sau đó, nhiều người lấy hình ảnh vườn gửi lên mạng xã hội. Cộng với báo chí trong nước đưa tin, nhiều khách hàng nước ngoài đã tìm đến vườn.
Bạn biết không, câu hỏi đầu tiên của khách hàng Nhật là: "Vườn này là của ai". Lý do là tôi chưa đưa hình ảnh lên mạng, nên nhiều người đã "mượn" hình vườn chuối Huy Long An để đi chào hàng.
Vườn chuối của Huy Long An tại Tây Ninh. Ảnh: Đỗ Lan |
- Sản phẩm chuối thương hiệu Fohla đã bị trả lại lần nào chưa? Hoặc có lần nào đó mà đối tác không hài lòng về sản phẩm?
- Fohla từng bị đối tác Nhật trả hàng. Lần đó là do công ty làm sai quy cách. Tôi đã bay sang Nhật để xin lỗi và giải trình. Tôi bay sang gặp đối tác sau đó quay trở lại Việt Nam. Sau lần đó, đối tác đánh giá Huy Long An cao hơn vì làm ăn uy tín, biết trân trọng và bảo vệ khách hàng.
Thách thức từ cạnh tranh quốc tế và Covid-19
- Chuối Việt Nam gặp phải những đối thủ cạnh tranh nào trên thị trường quốc tế không?
- Philippines và Campuchia là hai đối thủ đáng gờm của ngành chuối xuất khẩu Việt Nam. Philippines có lịch sử trồng chuối xuất khẩu hơn 60 năm, được các tập đoàn lớn từ châu Âu, Nam Mỹ đến đầu tư nên quy trình chăm sóc bài bản, có nghiên cứu kỹ từ đất đai đến thổ nhưỡng, đào tạo công nhân bản địa rất chuyên nghiệp. Hệ thống hạ tầng rất hiện đại, mẫu mã đẹp, xuất khẩu đi nhiều nước và đứng thứ hai về xuất khẩu chuối trên thế giới.
Đối với Campuchia, đây là đất nước có ngành trồng chuối non trẻ, tuy nhiên đất đai màu mỡ, diện tích rộng lớn. Campuchia là điểm đến trồng chuối của các nhà đầu tư Trung Quốc. Những doanh nghiệp này mang tất cả vật tư đầu vào từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc đến và chỉ cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
- Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và tiêu thụ chuối, thưa ông?
- Đầu tiên, Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất. Vì dịch bệnh nên sản xuất thiếu nhân công khiến việc chăm sóc cây trồng gặp khó khăn. Đường vận chuyển hàng hóa bị cô lập nên việc cung cấp vật tư cũng không dễ dàng, việc mua bán chủ yếu qua điện thoại nên thiếu vật tư sản xuất và giá cả tăng dần.
Bên cạnh đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 2 lần, giá logistics tăng, tàu biển bị trì hoãn, khó khăn chất chồng, giá trị sản phẩm phải gánh chịu, hàng bán ra thì không được tăng giá. Tuy nhiên nhìn ra ngành hàng trái cây khác có khi bán không được phải đổ bỏ rất xót xa. Tôi tự an ủi rằng cũng tạm ổn.
- Xin cảm ơn ông vì buổi phỏng vấn.
NDH