MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vua đầu bếp Thanh Hòa: “Làng nghề Phú Lễ đã khiến tôi say đắm”

20-10-2016 - 13:30 PM | Sống

Lần đầu tiên đặt chân đến làng nghề Phú Lễ, Bến Tre, tôi không chỉ ngẩn ngơ vì cảnh sắc mang đậm nét truyền thống mà còn bị mê hoặc bởi hương vị ẩm thực, với thức uống “bí truyền” lâu đời nơi đây.

Là một đầu bếp, tôi đi cũng lắm, thích trải nghiệm nhiều, để tìm hiểu văn hóa ở những nơi mình đi qua. Đơn giản tôi tin rằng mỗi món ăn, thức uống ra đời đều là kết tinh văn hóa độc đáo của miền đất ấy.

Chính trải nghiệm văn hóa đã giúp sở thích nấu ăn của tôi thêm thăng hoa. Giới thiệu một món ăn, thức uống đến với người sành ẩm thực không chỉ là giới thiệu một hương vị tuyệt mỹ, mà còn là chia sẻ cả nét văn hóa thú vị ẩn chứa bên trong.

Khi đến với Phú Lễ, Bến Tre, những gì tôi biết trước đó là vùng đất này có một ngôi đình thuộc loại cổ và lớn nhất Nam Bộ. Ngôi đình được vua Minh Mạng cho khởi công xây dựng năm 1826 và được vua Tự Đức sắc phong năm 1851.

Thế nhưng, chỉ đến khi từng bước chân đặt trên thềm đá xanh trang nghiêm, ngắm từng mái ngói rêu phong cổ xưa, từng cột gỗ lim chạm khắc đã gần 200 năm tuổi, tôi mới cảm nhận hết vẻ uy nghiêm của đình Phú Lễ, hiểu nét “anh hoa” của vùng đất được bồi đắp từ phù sa ngọt lành sông Cửu Long, phóng khoáng, hào sảng mà chân chất, hiền hòa.

Qua bao thăng trầm lịch sử, Đình Phú Lễ vẫn uy nghi, trầm mặc với thời gian.

Không chỉ có đình làng nổi danh, Phú Lễ còn có hát sắc bùa, một hình thức nghệ thuật độc đáo chỉ có tại vùng đất làng nghề này. Và tất nhiên, điều hấp dẫn tôi nhất vẫn là những gian bếp của bậc cao niên ở Phú Lễ, nơi tôi có thể tự mình trải nghiệm từng tinh hoa ẩm thực, chắt chiu hàng trăm năm của miền đất ấy.

Ẩm thực Phú Lễ nổi danh trước hết nhờ loại ngự tửu tiến vua lừng lẫy một thời, mang theo công thức bí truyền hàng trăm năm, ẩn chứa một nét riêng mà không loại mỹ tửu nào có được. Đó chính là bài hồ men bí truyền làm từ 36 vị thuốc Nam - Bắc, quyện cùng nếp mùa Ba Tri óng mẩy, dẻo thơm nức tiếng của vùng đất có dòng sông Cửu Long chảy qua. Tất cả tạo nên thứ rượu thơm nồng mùi thảo mộc, ngọt đằm, cay dịu, phóng khoáng mà sang cả, uống vào cứ thấm đẫm cảm giác mê say.

Kháp rượu đã có trên trăm năm tuổi nghề tại Phú Lễ. Người dân ở đây tận dụng hèm, tức bã rượu để chế biến món ăn, giúp bữa cơm dân dã bỗng trở nên lạ miệng và “quyến rũ” hơn. Mâm cơm truyền thống đãi khách của Phú Lễ luôn thấp thoáng vị nồng say của loại ngự tửu xưa tiến vua. Ăn một chén cơm, nhấp một ngụm mỹ tửu nức tiếng, cảm nhận cả nét hào sảng phóng khoáng, thấm đậm nghĩa tình của người miền Tây Nam Bộ.

Bài hồ men truyền thống Phú Lễ mang đến hương vị đặc biệt cho loại ngự tửu.
Bài hồ men truyền thống Phú Lễ mang đến hương vị đặc biệt cho loại ngự tửu.

Ba ngày ở Phú Lễ, được thưởng thức từng mâm cơm chắt chiu những tinh hoa của mảnh đất chín rồng, nhâm nhi từng giọt ngự tửu được lưu truyền công thức hàng trăm năm, càng thêm phục những người gắn bó cả đời với làng nghề, tâm huyết giữ gìn từng giá trị tinh thần, nâng niu những sản vật đúng nghĩa là quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Ẩm thực Phú Lễ không mai một theo tháng năm là nhờ tâm huyết như thế của những người trẻ tuổi, khát khao gìn giữ truyền thống. Tôi không khỏi xúc động khi ghé thăm công ty Rượu Phú Lễ, thấy được mô hình độc đáo kết hợp làng nghề truyền thống và nhà máy sản xuất hiện đại, nhằm bảo tồn truyền thống và nâng cao giá trị sản phẩm của làng nghề.

Những câu chuyện tuyệt đẹp về văn hóa và ẩm thực nơi làng nghề Phú Lễ, đều được tôi ghi lại qua những thước phim để làm kỉ niệm. Đó chính là món quà dành tặng miền đất đầy mê say, cũng là cách quảng bá đến bạn bè khắp nơi trên thế giới. Với tôi, câu chuyện ẩm thực của một làng nghề trăm năm mãi là câu chuyện dài bất tận, thấm đẫm hương vị nồng nàn khó quên.

Vua đầu bếp Thanh Hòa: “Làng nghề Phú Lễ đã khiến tôi say đắm”

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên