MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vua dầu mỏ Mỹ dặn con nên biết ơn thay vì ghét bỏ 1 kiểu người nếu muốn trở thành người giàu nhất thế giới

29-10-2022 - 08:43 AM | Sống

Vua dầu mỏ Mỹ dặn con nên biết ơn thay vì ghét bỏ 1 kiểu người nếu muốn trở thành người giàu nhất thế giới

Một sự việc xảy ra trong chuỗi ngày thơ ấu đã khiến tỷ phú Rockefeller lập ra lời thề: "Một ngày nào đó, mình sẽ trở thành người giàu nhất thế giới!".

Rockefeller là tỷ phú đầu tiên trên thế giới với tài sản cá nhân hơn 1 tỷ đô la Mỹ, tài sản của ông từng bằng 1,5% GDP của Hoa Kỳ. Tuy vậy Rockefeller lại xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Khi còn nhỏ, ông phải sống dựa vào sự giúp đỡ từ hàng xóm láng giềng.

Lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Rockefeller đã luôn tìm tòi mọi cách để có thể kiếm tiền. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, khó khăn vô vàn nhưng nhờ vào sự nỗ lực và ý chí tuyệt vời, ông từng bước xây dựng đế chế kinh doanh của riêng mình.

Vua dầu mỏ Mỹ dặn con nên biết ơn thay vì ghét bỏ 1 kiểu người nếu muốn trở thành người giàu nhất thế giới - Ảnh 1.

Không chỉ là doanh nhân giỏi, John Davison Rockefeller Sr. còn là một người cha tuyệt vời. Những lời dặn dò của ông dành cho con cháu đều cho thấy được tầm nhìn hơn người. Cũng nhờ vậy mà gia tộc của ông giàu sang đến tận 7 đời.

Trong suốt cuộc đời mình, "Vua dầu mỏ" đã viết cho con trai tổng cộng 38 lá thư. Điều đáng bất ngờ chính là nội dung trong những bức thư này đều là những lời dặn dò rút ra từ những bài học cuộc sống quý báu mà bản thân ông đã từng trải qua và tự mình chiêm nghiệm.

Lá thư dưới đây là một trong những lời dặn dò "kinh điển" nhất của ông gửi tới con trai. Trong lá thư này, ông dặn con muốn thành công và giàu có thì nên biết "cảm ơn" những người đã coi thường, xúc phạm mình:

John thân mến,

Cha và mẹ con đã rất ngạc nhiên về cách con đàm phán với ông Morgan. Chúng ta không ngờ rằng con có đủ can đảm để đối đầu với cái hầu bao độc đoán và lớn nhất Phố Wall đó với sự đĩnh đạc, khôn khéo, văn minh và kiểm soát hoàn toàn đối thủ của mình. Cảm ơn Chúa đã cho chúng ta có được những đứa trẻ tuyệt vời như con.   Trong thư con gửi, con kể với cha rằng ông Morgan đã cư xử thô lỗ và có ý định xúc phạm con, và cha nghĩ con đã đúng. Trên thực tế, ông ấy đang cố gắng trả đũa cha bằng cách hạ thấp con để thay thế.

Con biết đấy, lần này Morgan đề nghị thành lập liên minh với cha vì lo sợ cha sẽ là mối đe dọa đối với ông ta. Cha tin rằng phi vụ hợp tác đó là miễn cưỡng, bởi vì Morgan hiểu ông ấy và cha là những toa tàu chạy trên hai đường ray, không ai trong chúng ta thích con đường của đối phương. Cha phát ngán khi nhìn thấy vẻ tự mãn, kiêu ngạo của ông ta. Cha nghĩ chắc hẳn ông ấy đã tự làm bản thân khó chịu khi đề nghị hợp tác với cha.

 Nhưng Morgan là một phù thủy kinh doanh. Ông ấy biết rằng cha không quan tâm đến Phố Wall và cha cũng không sợ những lời đe dọa. Vì vậy, nếu muốn hiện thực hóa tham vọng thống trị ngành công nghiệp thép của Mỹ, ông ấy phải hợp tác với cha, nếu không, điều chờ đợi ông ấy sẽ là một cuộc cạnh tranh sinh tử.

Vua dầu mỏ Mỹ dặn con nên biết ơn thay vì ghét bỏ 1 kiểu người nếu muốn trở thành người giàu nhất thế giới - Ảnh 2.

Những người giỏi tư duy và giỏi hành động đều hiểu phải loại bỏ kiêu ngạo và định kiến. Họ cũng biết rằng không bao giờ được để định kiến cản trở thành công của mình. Ông Morgan là một người như vậy. Do đó, mặc dù không muốn giao dịch với cha, nhưng ông Morgan vẫn hỏi cha liệu có thể gặp ông ấy trong văn phòng chủ tịch Standard Oil không.

Bất cứ ai kiên trì đến phút cuối cùng trong một cuộc đàm phán nhất định sẽ có lợi, vì vậy cha nói với Morgan: “Tôi đã nghỉ hưu, và tôi rất vui được gặp ông tại nhà của tôi nếu ông muốn”. Ông ấy thực sự đã đến, quyết định này rõ ràng đã khiến ông ấy cảm thấy phải hạ mình. Nhưng Morgan có lẽ không ngờ được khi bàn đến những vấn đề cụ thể, cha sẽ nói: "Tôi xin lỗi, ông Morgan, tôi đã nghỉ hưu, và tôi nghĩ con trai tôi John sẽ rất vui khi nói chuyện với ông về thỏa thuận đó".

Chỉ có một kẻ ngốc mới không nhận ra cha đang khinh thường Morgan một cách trắng trợn. Nhưng ông ấy đã kiềm chế và nói với cha rằng ông ấy muốn con đến văn phòng Phố Wall của ông ấy để nói chuyện. Và cha đã đồng ý.

Trả thù người khác chính là một cuộc tấn công chống lại chính mình. Ông Morgan có vẻ không hiểu sự thật này, dẫn đến cuối cùng, để giải tỏa cơn tức giận trong lòng, ông ấy đã để con có cơ hội kiểm soát nó. Nhưng dù sao đi nữa, cha đánh giá cao việc ông Morgan luôn tập trung vào những gì bản thân muốn đạt được, bất chấp những lời xúc phạm trắng trợn của cha dành cho ông ấy.

Con trai của cha, chúng ta lớn lên trong một xã hội theo đuổi phẩm giá, và cha biết, đối với một người yêu nhân phẩm, điều đó có nghĩa là bị sỉ nhục. Nhưng nhiều khi, dù bạn là ai đi chăng nữa, ngay cả Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng bất lực trong việc ngăn chặn những lời xúc phạm từ người khác.

Vậy chúng ta nên làm gì? Có phải là để chống trả trong cơn giận dữ và bảo vệ nhân phẩm? Hay đối xử với nhau bằng sự bao dung và độ lượng? Hay phản hồi theo những cách khác?

Con có nhớ, cha luôn giữ một bức ảnh tập thể chụp các bạn học cấp hai trong bộ sưu tập ảnh của mình. Không có cha trong bức hình đó, chỉ có những đứa trẻ thuộc những gia đình giàu có mà thôi. Nhiều thập kỷ sau, cha vẫn trân trọng nó, và trân trọng cả khung cảnh nơi bức ảnh đó được chụp.

Vua dầu mỏ Mỹ dặn con nên biết ơn thay vì ghét bỏ 1 kiểu người nếu muốn trở thành người giàu nhất thế giới - Ảnh 3.

Đó là một buổi chiều, thời tiết đẹp, và cô giáo nói với chúng ta rằng một nhiếp ảnh gia đến để chụp ảnh các học sinh trong lớp. Cha đã từng chụp ảnh rồi, nhưng rất hiếm khi. Đối với một đứa trẻ xuất thân từ một gia đình nghèo khó, chụp ảnh là một điều xa xỉ. Ngay khi nhiếp ảnh gia xuất hiện, cha đã tưởng tượng ra cảnh được lọt vào ống kính, cười tươi hơn, tự nhiên hơn, đẹp trai hơn, thậm chí bắt đầu mường tượng ra cảnh về nhà và nói với mẹ như báo tin vui: “Mẹ ơi, con chụp ảnh rồi! Nhiếp ảnh gia đã chụp đó và nó thật tuyệt vời!".

Cha nhìn chằm chằm vào nhiếp ảnh gia đang cúi xuống để điều chỉnh khung cảnh với ánh mắt phấn khích, ước gì ông ấy chụp ảnh nhanh hơn. Nhưng cha đã phải thất vọng. Người thợ chụp ảnh có vẻ là một người theo chủ nghĩa duy mỹ. Ông ấy đứng thẳng người lên rồi chỉ vào cha và nói với giáo viên của cha: "Cô có thể đưa học sinh đó ra ngoài được không? Quần áo của thằng bé quá tồi tàn rồi".

Cha lúc ấy vẫn là một học sinh yếu đuối phải vâng lời giáo viên, chỉ có thể im lặng đứng lên, không làm ảnh hưởng đến khung cảnh tươi sáng của đám con nhà giàu ăn mặc đẹp đẽ. Ngay thời điểm đó, cha cảm thấy mặt mình nóng lên. Nhưng cha không tức giận, không cảm thấy có lỗi với bản thân, không phàn nàn rằng bố mẹ không cho cha ăn mặc đẹp. Trên thực tế, họ đã làm mọi cách để cho cha được học hành đến nơi đến chốn.

Nhìn khung cảnh được ghi lại trong ống kính của nhiếp ảnh gia, cha nắm chặt bàn tay và tự thề với lòng mình rằng: Một ngày nào đó, mình sẽ trở thành người giàu nhất thế giới! Được một nhiếp ảnh gia chụp ảnh cho có đáng là gì! Được họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới vẽ cho mình một bức chân dung mới đáng tự hào! Con trai, lời thề của cha khi đó đã trở thành sự thật! Trong mắt cha, ý nghĩa của từ xúc phạm đã thay đổi. Nó không còn là lưỡi dao sắc bén tước đi phẩm giá của cha nữa mà là động lực mạnh mẽ, như một sức mạnh áp đảo, thúc giục cha vượt lên phía trước, thúc giục cha theo đuổi mọi điều tốt đẹp. Không ngoa khi nói rằng nhiếp ảnh gia đó đã truyền cảm hứng cho một đứa trẻ nghèo trở thành người giàu nhất thế giới.

Ai cũng có lúc được vỗ tay tán thưởng, để khẳng định thành tích, hoặc để khẳng định phẩm chất, nhân cách, đạo đức của mình. Cũng có lúc chúng ta bị công kích, xúc phạm. Ngoại trừ ác ý, cha nghĩ lý do khiến chúng ta bị xúc phạm là do khả năng của chúng ta kém. Khả năng này có thể liên quan đến việc làm người hoặc liên quan đến việc thực hiện các công việc.

Nói tóm lại, điều đó khiến con không nhận được sự tôn trọng từ những người khác. Cho nên, cha muốn nói rằng, bị xúc phạm không phải là một điều xấu. Nếu con là người biết cách bình tĩnh suy xét, con có thể coi những lời xúc phạm là thước đo năng lực, đó là những gì cha đã làm.

Cha biết rằng bất kỳ sự xúc phạm nhỏ nào cũng có thể làm tổn thương đến nhân phẩm. Tuy nhiên, phẩm giá không phải do Thượng đế ban tặng hay người khác ban tặng, mà do chính bản thân gây dựng và gìn giữ. Nhân phẩm là sản phẩm tinh thần mà con tự mình hưởng thụ.

Nhân phẩm của một người thuộc về chính bản thân người đó, nếu con nhận định mình có nhân phẩm thì con sẽ có nhân phẩm. Vì vậy, nếu ai đó làm tổn thương tình cảm, nhân phẩm của con, đừng dao động. Cứ tuân theo phẩm giá của mình và không ai có thể làm tổn thương con.

Con trai, mối quan hệ của con với chính mình là khởi đầu của mọi mối quan hệ. Khi con tin tưởng vào bản thân và hài hòa với chính mình, con là người bạn đồng hành trung thành nhất của con. Chỉ bằng cách này, con mới có thể sủng nhục bất kinh.

Cha thân mến của con,

27 tháng 2 năm 1901

(Theo 163.com)

Ánh Lê

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên