Vừa nhận 22,5 triệu USD từ VNG, Funding Societies đã ra mắt tại Việt Nam: Mục tiêu giải ngân 90 triệu USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn
Đáng chú ý, vào đầu năm nay Tập đoàn công nghệ VNG của Việt Nam đã đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies trong vòng gọi vốn chủ sở hữu Series C+ (với tổng trị giá 294 triệu USD, bao gồm khoản đầu tư có 144 triệu USD vốn c hủ sở hữu và 150 triệu USD khoản cho vay).
Funding Societies - Nền tảng tài chính kỹ thuật số dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Đông Nam Á vừa chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam. Đây cũng lần mở rộng thị trường thứ năm của Funding Societies. Thông qua nền tảng kỹ thuật số này, SME có thể tiếp cận các khoản vay truyền thống có kỳ hạn, cùng với những lựa chọn liên quan đến tài chính khác chẳng hạn như tài trợ hóa đơn. Trong 7 năm hoạt động, Công ty đã giải ngân hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ kinh doanh thông qua hơn 5 triệu khoản vay trên toàn khu vực.
Đáng chú ý, vào đầu năm nay Tập đoàn công nghệ VNG của Việt Nam đã đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies trong vòng gọi vốn Series C+ (với tổng trị giá 294 triệu USD, bao gồm khoản đầu tư có 144 triệu USD vốn chủ sở hữu và 150 triệu USD khoản cho vay).
Funding Societies cũng nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư đáng chú ý khác trong vòng gọi vốn, bao gồm SoftBank Vision Fund 2, Rapyd Ventures, EDBI, Indies Capital, Ascend Vietnam Ventures và K3 Ventures...
Với khoản đầu tư này, VNG cho biết sẽ giúp Funding Societies nhanh chóng thích ứng với thị trường trong nước để có thể cung cấp các giải pháp phù hợp cho từng nhu cầu riêng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Về hoạt động, kể từ đợt chạy thử tại Việt Nam vào tháng 12/2021, Funding Societies đã giải ngân hơn 20 triệu USD và đang đặt mục tiêu tăng con số này lên hơn 90 triệu USD trong năm nay. Để hiện thực hóa tham vọng này, Công ty sẽ hợp tác với các nền tảng công nghệ và các đối tác ngân hàng nhằm hỗ trợ các kế hoạch trung dài hạn. Định hướng này cũng giống với cách mà Funding Societies đã hợp tác với các ngân hàng khi mới đây đã đầu tư vào Bank Index tại Indonesia.
Ryan Galloway, Giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam, cho biết: "Các SME của Việt Nam không có cơ hội tiếp cận thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và thị trường vốn giai đoạn đầu (venture and early-stage capital markets) như các thị trường khác tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, và các chủ doanh nghiệp Việt Nam được đào tạo để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh dù sở hữu ít lợi thế hơn.
Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội ở Việt Nam và chúng tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển, cũng như đem đến giải pháp cho nhu cầu tài chính của hàng triệu SME trên khắp Đông Nam Á".
Ở diễn biến khác, SME lại đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng vẫn tồn tại những thách thức đối với các doanh nghiệp này trong việc tiếp cận nguồn vốn và các khoản hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng.
Dựa trên phân tích của Ngân hàng Phát triển châu Á về Funding Societies, các khách hàng là SME đã đóng góp tổng số 3,6 tỷ USD vào GDP hàng năm và tạo ra 350.000 việc làm. Nguồn tài trợ sẽ được doanh nghiệp sử dụng làm vốn lưu động, kiểm soát hàng tồn kho, mở rộng kinh doanh và tuyển dụng. Thực tế cho thấy 42% trong số này đạt được lợi nhuận cao hơn và 28% vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn sau khi nhận khoản tài trợ từ Funding Societies. Đó là cơ sở để Công ty trông đợi các thành tựu kế tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, thống kê bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 98% doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước vào năm 2020 là các SME. Những doanh nghiệp này cung cấp đến hơn 5,6 triệu cơ hội việc làm cho thị trường lao động, cũng như chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam (ước tính khoảng 241 tỷ USD).
Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giữa số lượng SME đã đăng ký kinh doanh và số lượng doanh nghiệp thực sự đang hoạt động ngày càng tăng. Cụ thể, chỉ vỏn vẹn 54% số SME đã đăng ký kinh doanh có hoạt động trong năm 2019. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển SME tại Việt Nam chính là nguồn vốn để duy trì hoạt động. Và vấn đề khó khăn này càng được khắc họa rõ nét hơn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Trong đó, có 3 rào cản lớn nhất cho SME tiếp cận nguồn vốn tín dụng phải kể đến:
(i) Thiếu/không có có tài sản thế chấp. Thực tế, hầu hết các NHTM đều yêu cầu TSTC khi SME vay. Trong khi tài sản là vấn đề khó khăn đối với các đơn vị này. Thậm chí, có vài bên dùng tài sản cá nhân để thế chấp cho khoản vay nhưng vẫn gặp vướng mắc là thời gian xử lý khá lâu, dẫn đến mất đi cơ hội kinh doanh của SME;
(ii) BCTC chưa đáp ứng yêu cầu;
(iii) Kế hoạch kinh doanh và sử dụng vốn chưa đáp ứng được các tiêu chí đề ra;
Theo các chuyên gia, còn một thực tế khác cũng gây khó khăn cho các SME khi tiếp cận dòng vốn ngân hàng, đó là các chi tiêu hiện nay chủ yếu bằng tiền mặt, và sẽ khó khăn để thu thập tổng hợp và cho NHTM thấy, kiểm định… Như vậy, nền tảng công nghệ là công cụ hữu hiệu để có thể giúp các SME.
Tại Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia (gọi là Modalku), Funding Societies được biết đến nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số SME duy nhất được cấp phép ở bốn quốc gia trên khắp Đông Nam Á.
Và với Việt Nam, Funding Societies cam kết hỗ trợ các SME trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, bán lẻ, công nghệ và FMCG, thông qua việc cung cấp các sản phẩm như tài trợ thương mại , tài trợ hàng tồn kho, tài trợ cho các khoản phải thu (AR) và các khoản phải trả (AP) tại Tp.HCM và Hà Nội.
Trong cuộc chơi chung, đại diện Funding Societies cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa nền tảng tín dụng như Công ty với các NHTM là cộng sinh, và không có tính cạnh tranh. Bởi, NHTM có bề dày hoạt động cùng mạng lưới lớn, từ đó đáp ứng đa dạng các sản phẩm: không dừng lại ở cho vay mà còn hỗ trợ thanh toán…. Đây là các lĩnh vực mà Funding Societies không thay thế được.
Ông Kelvin Teo - Co-Founder kiêm CEO của Funding Societies.
"Chúng tôi đã có mặt một cách có hệ thống tại 5 quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và giờ là Việt Nam. Chúng tôi mong muốn có thể làm việc sát sao với các cơ quản quản lý để xây dựng một môi trường lành mạnh trong ngành công nghệ tài chính (fintech) và tín dụng. Chúng tôi có 7 giấy phép hoạt động tại các thị trường, cũng như cổ phần trong ngân hàng Bank Index - một ngân hàng đã được cấp phép và có lợi nhuận dương chuyên về các dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Indonesia. Thành tựu này có được là nhờ sự hỗ trợ không nhỏ đến từ các cổ đông Softbank, VNG, SMBC, Sequoia Capital, và Samsung.
Chúng tôi hoạt động song hành thay vì cạnh tranh với ngân hàng truyền thống. Ngân hàng có lợi thế với các dịch vụ tài chính quy mô lớn, dài hạn với chi phí vốn thấp hơn. Chúng tôi chuyên về các dịch vụ tài chính quy mô nhỏ, ngắn hạn với tốc độ giải ngân cao - cụ thể là các khoản vay dưới 1 triệu USD trong vòng dưới 12 tháng, với thời gian giải ngân chỉ từ vài giờ tới dưới 2 tuần.
Đó chính là lý do chúng tôi chủ động hợp tác cùng các ngân hàng ở quốc gia nơi chúng tôi hoạt động. Các ngân hàng cũng nằm trong hội đồng cổ đông của Funding Societies, ví dụ như Bank Rakyat Indonesia, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Indonesia, cũng như ngân hàng SMBC của Nhật Bản", Ông Kelvin Teo - Co-Founder kiêm CEO của Funding Societies nói.
Do đó, trong mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, NHTM cùng các đơn vị Fintech sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Mục đích hướng đến là phục vụ các SME ở tất cả các giai đoạn phát triển: Từ shop bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, tới doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp cỡ vừa, công ty khởi nghiệp, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống.
Nhịp sống kinh tế