Vua tôm Minh Phú đấu Vua cá Vĩnh Hoàn: Doanh thu thấp hơn hàng nghìn tỷ đồng, vì đâu Vua cá vẫn lãi gấp 2,5 lần Vua tôm?
Vượt trội về cả doanh số xuất khẩu lẫn doanh thu công ty, nhưng “vua tôm” Minh Phú lại lép vế trước "vua cá'' Vĩnh Hoàn về lợi nhuận.
- 13-09-2022T&T, Đại Quang Minh, Him Lam, Văn Phú... đề xuất loạt dự án lớn trước khi Lâm Đồng tạm dừng nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch
- 07-09-2022Xuất khẩu cá tra giữ vững trong khi tôm tụt dốc: Lợi nhuận Vĩnh Hoàn vượt Minh Phú
- 12-08-2022Lợi nhuận sau thuế của Minh Phú quý II giảm 33%
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán mốc 11 tỷ USD năm 2022, tăng 22% so với năm trước.
Mặt hàng tôm và cá tra đóng góp nhiều nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản khi chiếm tỷ trọng hơn 39%, đạt 4,3 tỷ USD; trong đó cá tra chiếm gần 23%, đạt 2,44 tỷ USD. So với năm 2021, xuất khẩu tôm và cá tra tăng lần lượt 11% và 51%. Các mặt hàng còn lại như cá ngừ, hải sản khác về đích lần lượt ở mức 1 tỷ USD và 3,2 tỷ USD.
Là hai doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu tôm và cá góp công lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) và CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) được ví von là "Vua tôm" và "Vua cá''. Cả hai công ty đều chịu nhiều ảnh hưởng đến từ thị trường Mỹ, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu chính chiếm phần lớn doanh thu của công ty.
Hưởng lợi lớn nhất từ hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Trung Quốc, năm 2022, KQKD của Vĩnh Hoàn vươn lên đỉnh mới trong lịch sử với doanh thu 13.239 tỷ đồng – tăng 46% so với năm 2021. Vượt kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2022 đến 25%, Vĩnh Hoàn cán mốc lãi sau thuế hơn 2 ngàn tỷ đồng; lãi ròng hơn 1,9 ngàn tỷ đồng, tăng 80% so với năm trước. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) đạt gần 11.000 đồng.
Trong khi đó, luỹ kế cả năm 2022, KQKD của "vua tôm" Minh Phú gần như đi ngang và không có nhiều bứt phá. Công ty đạt doanh thu 16.425 tỷ đồng, tăng 21% so với kết quả năm 2021 và áp sát mức đỉnh giai đoạn 2018 - 2019. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 21,4% so với năm trước, đạt 944 tỷ đồng, chỉ riêng lãi ròng lên mức cao nhất từ trước đến nay - đạt 829 tỷ.
Nếu Vĩnh Hoàn hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, thì đây là năm thứ 6 liên tiếp kể từ 2017 Minh Phú không hoàn thành được kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được đề ra trước đó.
Tuy nhiên, dù chinh phục đỉnh mới, doanh thu của Vĩnh Hoàn luôn thấp hơn khi so với Minh Phú suốt từ năm 2012 đến nay, con số năm 2022 là một bước tiến mới trên đà thu hẹp khoảng cách.
Trái ngược với doanh thu bị bỏ xa, vua cá tra vẫn vượt trội hơn vua tôm về lợi nhuận. Năm 2022, doanh thu Vĩnh Hoàn bằng 80% doanh thu của Minh Phú nhưng lợi nhuận trước thuế lại cao hơn Minh Phú gấp 2,5 lần - thiết lập khoảng cách về lợi nhuận xa nhất kể từ trước đến nay giữa "vua cá" và "vua tôm".
Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí bán hàng trong năm của Minh Phú quá cao với 1.352 tỷ đồng, gấp 3,2 lần Vĩnh Hoàn (ghi nhận 453 tỷ đồng).
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vua cá 11.580 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với tổng tài sản 10.606 tỷ đồng của Vua tôm. Trong đó, hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn là 3.113 tỷ đồng – tăng 65% so với thời điểm đầu năm. Còn hàng tồn kho của Minh Phú 5.045 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, thị giá của hai mã VHC và MPC cũng có sự chênh lệch khá lớn. Tại phiên ngày 22/2/2023, trong khi VHC có giá 62.700 đồng/cp thì MPC chỉ có giá 17.700 đồng/cp.
Biến động thị giá VHC
Biến động thị giá MPC
Nhịp sống thị trường