MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vực dậy ngành tôm

16-11-2016 - 09:15 AM | Thị trường

Là một ngành xuất khẩu thủy sản chủ lực của quốc gia nhưng ngành tôm từ khâu con giống, vật tư cho đến nuôi trồng, chế biến còn nhiều lỗ hổng.

Tại buổi đối thoại “Làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 15-11, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: “ĐBSCL chiếm 80% sản lượng tôm của cả nước, đóng góp rất quan trọng trong xuất khẩu. Nhưng nhìn lại, ngành này đang đối mặt nhiều thách thức: chi phí sản xuất cao so với các nước, các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ chiếm đa số nhưng chưa liên kết mạnh mẽ, thức ăn, thuốc... chưa được kiểm soát chặt chẽ”.

Đơn cử về vấn đề con tôm giống, TS Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng: “Hạn chế lớn nhất hiện nay là thiếu tôm giống và có chất lượng không ổn định. Điển hình như giống tôm thẻ chân trắng phải phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, khi trong nước có nhu cầu lại bị động, nếu không mua được từ nhà phân phối. Nhiều cơ sở sản xuất giống không bảo đảm an toàn sinh học, việc kiểm dịch dựa vào cảm quan…”. Ông Tuấn kiến nghị thay vì giám sát kiểm dịch từng lô hàng thì ngay từ đầu kiểm dịch từng trại giống. Những trại sản xuất giống nào không bảo đảm thì cho ngưng ngay.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, bức xúc: “Thị trường tôm giống bây giờ quá bát nháo do cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá bán chỉ từ 10-20 đồng/con, về lâu dài như vậy không có giống tốt. Thậm chí ai cũng có thể sản xuất được tôm giống. Tại công ty, tôm giống nhập về phải bán 75 đồng/con mới bù chi phí nhưng khi đấu giá bán cho các dự án họ chỉ chào 35 đồng/con”.

Bà Phạm Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị cần có quy hoạch khu sản xuất giống tập trung tại ĐBSCL. Về hạ tầng, địa phương sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, khu này là nơi nghiên cứu, kiểm dịch, xét nghiệm con tôm giống rồi chuyển giao lại cho doanh nghiệp hoặc hộ nuôi, như vậy mới bảo đảm đủ số lượng và tôm giống có chất lượng.

Còn theo ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam, những năm gần đây, nhờ nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC mà con tôm nước ta được tiêu thụ rộng trên thế giới, nhất là thị trường EU và Nhật Bản. Vì lo dịch bệnh, nông dân nuôi quảng canh hay dùng kháng sinh nên cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động này. Nhiều đại biểu khác cho rằng để thay thế sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm thì cần tạo thói quen cho nông dân sử dụng chế phẩm sinh học nhằm phòng ngừa dịch bệnh, kích thích tôm phát triển và ngăn ngừa, giảm thiểu chất độc trong ao.

TS Christian Henckes, đại diện tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, khẳng định: “Thách thức trong thời gian tới của ngành tôm Việt Nam là đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật do nhà nhập khẩu đặt ra. Doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc luôn đóng vai trò quyết định chuỗi giá trị ngành tôm. Nếu có giải pháp đầu vào hữu hiệu để giảm chi phí sản xuất thì ngành tôm có lợi thế cạnh tranh với nước khác”.

Thương lái Trung Quốc làm đảo lộn thị trường

Ông Võ Văn Phục cho biết thương lái Trung Quốc sang mua tôm khi thị trường khan hiếm, họ nâng giá lên và không biết thu mua tới khi nào. Vì vậy, các nhà máy phải bắt buộc mua giá cao cho nông dân theo giá thị trường nhưng điều này làm tăng giá thành sản phẩm, một số thị trường từ chối nhập khẩu.

Ngoài ra, thương lái Trung Quốc mua tôm thường không kiểm soát và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến nông dân không quan tâm đến khâu này. Vì vậy, ông Phục đề xuất Nhà nước cần có chế tài đối với các thương lái nói trên do họ thường gây đảo lộn thị trường, ảnh hưởng đến nhà máy và người nuôi.

Theo Ca Linh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên