MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế

28-04-2023 - 06:55 AM | Bất động sản

Tình trạng bất động sản (BĐS) tê liệt suốt từ quý 4/2022 đến nay kéo theo sự đình đốn của hàng loạt ngành sản sản xuất khác như: vật liệu xây dựng, thiết kế, nội thất... Vì vậy, vực dậy thị trường BĐS đồng nghĩa với hồi sinh rất nhiều lĩnh vực liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.

Có thể sụp đổ thi trường tài chính

Trao đổi trong một hội thảo có chủ đề "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" vừa được tổ chức tại TP HCM ngày 27/4, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, thị trường BĐS đóp góp trực tiếp khoảng 12% GDP nhưng đóng góp gián tiếp tới 20 - 25% tăng trưởng kinh tế, vì BĐS liên quan tới ít nhất 50 ngành kinh tế khác. Riêng tại TP HCM, đây là ngành đứng thứ 4 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực, có tác động rất lớn. Tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của TP.HCM chỉ đạt 0,7%. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp xây dựng ghi nhận phần công nghiệp giảm nhẹ khoảng 0,8% nhưng ngành xây dựng âm gần 20%, kéo cả vùng này xuống. Nguyên nhân theo ông Lịch là do thị trường BĐS tăng trưởng âm hơn 16%.

Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo.

"Thị trường BĐS tác động rất mạnh tới tăng trưởng các ngành kinh tế. Về mặt vĩ mô, nếu BĐS có vấn đề lớn nữa thì sẽ kéo theo thị trường tài chính có thể khủng hoảng và thậm chí là sụp đổ. Trên thế giới, trong vòng 50 năm qua, mọi khủng hoảng tài chính đều xuất phát từ khủng hoảng BĐS. Bởi vậy, tôi không đặt vấn đề giải cứu thị trường BĐS mà phải đặt trong bài toán giải quyết đồng bộ cùng thị trường tài chính" - TS Lịch nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho hay, ngành BĐS đang trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin, xuất phát từ những sai phạm. Sau đó, để giải quyết tình hình này, Chính phủ ban hành các chính sách "vá lỗ hổng" nhưng lại chưa có thời gian thẩm thấu. Sự thay đổi đột ngột về chính sách, việc siết chặt tín dụng sau đó cũng làm cho các nhà đầu tư thêm bất an, khủng hoảng niềm tin đã dẫn đến những ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Tập đoàn DKRA dẫn chứng số liệu thống kê về nguồn cung và giao dịch BĐS tại TP HCM và vùng phụ cận sụt giảm "thê thảm". Theo đó, nguồn cung quý 1/2023 giảm mạnh khi đất nền TP HCM và phụ cận chỉ có khoảng 400 sản phẩm, nhưng tiêu thụ chỉ 78 sản phẩm, giảm đến gần 80% so với cùng kỳ năm 2022 và tập trung chủ yếu vào sản phẩm pháp lý hoàn chỉnh, an toàn. Nguồn cung và số lượng giao dịch hạn chế dù các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm. Thậm chí có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% nhưng cũng khó bán hàng.

“Trong khi đó, hiện nay thị trường đang lệch pha cung cầu khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà bình dân ít, thậm chí tuyệt chủng. Đối với thị trường BĐS du lịch cũng không ngoại lệ khi giao dịch gần như đóng băng. Dù mục tiêu đề ra trong năm 2022 tăng trưởng khách quốc tế khoảng 8 triệu du khách nhưng chỉ đạt gần 4 triệu”, ông Lâm thông tin.

Cần thái độ phù hợp với doanh nghiệp

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị, hiện nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho ngành BĐS trong đó có những chính sách về tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ… Mấy ngày nay cũng đã có nhiều tổ chức tín dụng làm việc với các chủ đầu tư để thảo luận hoạt động tái cấp vốn, tái khởi động các dự án xây dựng. Mong muốn những chính sách này nhanh chóng được thực thi, mong muốn các cơ quan quản lý, ngân hàng vào cuộc ngay để kích thích nhu cầu, tạo lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Thị trường BĐS gần như tê liệt thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo ông Phạm Lâm, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là củng cố niềm tin cho bên mua. Trước đây, có gói 30.000 tỉ đồng đã ngay lập tức rõ ràng, rất đơn giản và lãi suất thấp nên khi đó đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội và lan tỏa ra cả thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng. Trong khi đó, hiện nay Ngân hàng nhà nước đang "tung" gói 120.000 tỉ đồng nhưng không ăn thua vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm.  Chính vì vậy, cần giảm lãi suất về mức 5 - 6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại như trước để "kéo" người dân tham gia thị trường. Nếu làm được điều này sẽ thúc đẩy người mua tham gia thị trường.

"Hiện hàng tồn kho rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Do vậy, cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động, nhất là kích cầu tiêu dùng  Cần gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến khách hàng mới khơi thông được thị trường. Ngoài ra cần có chính sách để các doanh nghiệp hiện đang tồn tại phát triển bền vững, bởi đây là những doanh nghiệp có năng lực", ông Phạm Lâm đề xuất.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ, BĐS có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trong thời gian trước đó, và chỉ bắt đầu gặp khó từ năm 2022. Các nghiên cứu báo cáo sâu năng suất lao động cao gấp 10 lần năng suất lao động chung của toàn ngành kinh tế. Vì thế, chúng ta cần có một thái độ phù hợp với doanh nghiệp ngành BĐS.

Ông Hải cho rằng có một điều rất đáng tiếc là BĐS khó khăn nên các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng và nhiều ngành nghề khác cũng gặp khó khăn. “Theo Nghị quyết 02, thời gian cơ cấu nợ 12 tháng sẽ không giải quyết được vấn đề mà cần ít nhất tới 24 tháng mới xoảy xở được tình hình”, ông Hải bày tỏ.

Quốc Đinh

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên