MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vực dậy tour đường sông

UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2017-2020 nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Tuyến tour kênh nội đô đầu tiên của TP HCM sau một thời gian khai thác vẫn gặp nhiều khó khăn trong khi các tuyến du lịch đường thủy khác trên địa bàn cũng chưa thu hút du khách dù được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.

Èo uột tour kênh Nhiêu Lộc

Những ngày này, dạo vòng quanh tuyến tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến kênh du lịch nội đô đầu tiên kéo dài từ quận 1 sang quận 3, vẫn khá vắng khách. Mùa cao điểm phục vụ du khách quốc tế kéo dài từ tháng 10 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau đã kết thúc. Hiện nay, tour này chủ yếu phục vụ khách nội địa. Mục tiêu của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị đang khai thác tour kênh Nhiêu Lộc) đặt ra trong 6 tháng đầu năm thu hút khoảng 20.000-25.000 khách nhưng 3 tháng đầu năm chỉ phục vụ khoảng 4.500-5.000 lượt. Đang vào mùa mưa, tình trạng khai thác tour còn èo uột hơn. Khách đã vắng, mỗi buổi chiều mưa, thuyền không thể hoạt động nên phải dời lịch phục vụ khách sang ngày khác…


Tuyến du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chưa hấp dẫn du khách dù đã hoạt động gần 2 năm Ảnh: Hoàng Triều

Tuyến du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chưa hấp dẫn du khách dù đã hoạt động gần 2 năm Ảnh: Hoàng Triều

Theo Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, có quá nhiều khó khăn khiến hoạt động khai thác, phục vụ khách du lịch không như kỳ vọng dù tour đã hoạt động gần 2 năm. Chẳng hạn, công ty đã nhiều lần kiến nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét giải quyết nhưng đến giờ vẫn chưa có bãi đậu xe, giữ xe chính thức cho cả 2 khu vực bến ở quận 1 và 3 gây khó khăn cho du khách và quá trình khai thác tour. Hiện sở chỉ cho phép những xe khách đoàn lớn tạm dừng đón, trả khách trong thời hạn 5 phút.

Một nỗi ám ảnh của doanh nghiệp (DN) khai thác tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thời gian qua là rác. Ông Võ Văn Cường, Trưởng Phòng Điều hành Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, cho biết dù Khu Quản lý đường thủy nội địa và Công ty Môi trường đô thị thường xuyên vớt rác và sử dụng lưới chắn rác do công ty đầu tư nhưng khi nước lớn và sau khi vớt, mùi hôi và rác vẫn xuất hiện ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Là tuyến du lịch nội đô đầu tiên được TP và DN kỳ vọng, đầu tư nhiều nhưng đến nay, cảnh quan, hệ thống chiếu sáng dọc 2 bờ kênh vẫn còn khá đơn điệu, nhiều đoạn không có đèn đường, khu vực cầu và gầm cầu tối tăm, không có điểm nhấn…

"Tour kênh Nhiêu Lộc đến giờ chúng tôi khai thác vẫn dưới mức kỳ vọng dù tuyến du lịch này được đầu tư khá nhiều và được xem là "độc, lạ" nếu nhìn ở góc độ sản phẩm du lịch mới cho TP" - ông Cường nhìn nhận.

Khoảng hơn 2 năm trước, khi có ý tưởng về tour trên dòng kênh "chết" đầy rác, rất nhiều người trong ngành du lịch băn khoăn việc triển khai tuyến du lịch nội đô của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn. Tuy nhiên, lúc đó, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, vẫn tin tưởng nếu được đầu tư bài bản và nhận được sự hỗ trợ của ngành du lịch TP, tuyến du lịch này sẽ trở thành đặc sản, điểm nhấn cho sản phẩm du lịch mới của TP, nhất là với du khách "city tour" (tour khám phá TP).

Đến giờ, ông Phan Xuân Anh vẫn đang cố gắng duy trì, khai thác tour nội đô khi TP đã tốn cả chục ngàn tỉ đồng cải tạo tuyến kênh ô nhiễm này. "Nhưng một mình DN làm khó quá. DN không thể đầu tư trang trí ánh sáng cho các cây cầu trên kênh, do đó khó hấp dẫn du khách đi tour vào buổi tối. Rác cứ vớt xong, người dân xung quanh lại đổ xuống. TP cho phép chúng tôi đầu tư xe điện để đưa đón khách nhưng lại không có chỗ đậu… Hiếm TP nào có tuyến kênh xuyên nội đô đẹp, độc đáo như Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng chỉ DN tự bơi, không có sự hỗ trợ của ngành du lịch TP và các sở, ban, ngành thì rất khó để tour tồn tại và phát triển" - ông Xuân Anh nói.

Nhiều tuyến chưa hấp dẫn

Từ nhiều năm qua, TP đã chỉ đạo ngành du lịch trên địa bàn tập trung đầu tư, phát triển du lịch đường thủy để khai thác tiềm năng trên những tuyến sông, kênh rạch chằng chịt. Nhưng thực tế, không chỉ tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gặp khó mà nhiều tour đường thủy vẫn chưa hấp dẫn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của du khách trong và ngoài nước.

Từ năm 2013 đến nay, TP đã phê duyệt danh mục xây dựng 13 bến đỗ từ ngân sách nhà nước và 21 bến do tư nhân đầu tư. Mục tiêu nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khách du lịch đường sông khoảng 20% và doanh thu tăng 30% mỗi năm. Cũng trong năm 2013, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) được UBND TP giao phát triển một số tuyến đường sông với kỳ vọng sẽ là sản phẩm hấp dẫn, đặc thù để kéo du khách đến TP. Nhưng đến nay, Saigontourist cũng chỉ đang khai thác một số tour có khách liên tục, hiệu quả như khám phá Củ Chi, khám phá Mê Kông - Long An, khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết đến nay, chùm tour đường sông đang tiếp tục được đầu tư phát triển, bổ sung, đa dạng hóa hành trình tham quan và phương tiện như tàu, ca-nô, kết hợp đi đường sông - về đường bộ, tăng thời gian của hành trình. Lượng khách du lịch đường sông chủ yếu đến từ Mỹ, châu Âu, Úc… theo dạng du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), trong khi lượng khách nội địa vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Mục tiêu thời gian tới của Saigontourist là phối hợp và đầu tư để sản phẩm du lịch này thu hút thêm đối tượng khách nội địa tại TP và các địa phương khác trong cả nước, để tour đường sông trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu và đặc trưng gắn với thương hiệu du lịch TP.

Về nguyên nhân du lịch đường sông ở TP có quá nhiều tiềm năng nhưng lại chưa phát triển tương xứng, ông Vương Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, nhìn nhận do vướng cơ chế, chính sách. Cụ thể, cơ sở hạ tầng để phát triển vẫn còn thiếu từ cầu tàu, bến bãi, nhà chờ… Kết quả là nhiều năm qua, TP đã chủ trương phát triển 7 tuyến du lịch đường sông nhưng đến nay triển khai còn hạn chế. Mới đây, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân được ngành du lịch kỳ vọng sẽ mở lối cho các DN tư nhân đồng hành cùng TP đẩy mạnh tour đường sông.

"Nếu ngành du lịch TP khuyến khích tư nhân tham gia xã hội hóa, đầu tư nhiều hơn cho tour đường sông sẽ góp phần thúc đẩy phân khúc sản phẩm du lịch này phát triển mạnh mẽ hơn" - ông Tuấn hy vọng.

Ngoài ra, để tour đường sông trở thành sản phẩm chủ lực, các DN kiến nghị TP cần đầu tư phát triển toàn diện đối với du lịch đường sông như xây dựng các bến đỗ thuận tiện, lịch sự đi kèm tiện ích cho du khách như nhà vệ sinh, cửa hàng lưu niệm, trung tâm thông tin du lịch. Quy hoạch hệ thống kênh rạch trong lành, môi trường tốt, cảnh quan 2 bên kênh rạch thoáng mát. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị du lịch khai thác đường sông trong việc sử dụng bến bãi, khai thác tuyến; quảng bá đến đối tác, du khách quốc tế thông qua các hoạt động xúc tiến, hội chợ du lịch, các kênh du lịch quốc tế…

Đẩy mạnh xã hội hóa du lịch đường thủy

Theo kế hoạch phát triển du lịch đường thủy TP HCM giai đoạn 2017-2020 của UBND TP vừa ban hành, mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy. Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2017-2018 đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. TP cũng đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đi đường biển đến TP đạt 470.000 lượt/năm trong giai đoạn 2017-2018.

Theo đó, TP sẽ cải tạo và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến du lịch đi Bình Quới (quận Bình Thạnh), tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; đầu tư xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới như tuyến đi các quận 7, 5, 6, 8 và các tuyến đường thủy đến Củ Chi, Cần Giờ, quận 9 và phát triển khách du lịch tàu biển...

Một trong những giải pháp TP đặt ra nhằm thúc đẩy tour đường thủy là xã hội hóa đầu tư các sản phẩm mới và các dịch vụ hỗ trợ, như nghiên cứu xã hội hóa đầu tư xây dựng Bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch đường thủy, kết hợp với Công viên Cảng Bạch Đằng hình thành nên những phiên chợ, khu ẩm thực, khu mua sắm, cà phê, thức ăn nhanh, trung tâm thông tin du lịch… Đồng thời, TP cũng vận động, hỗ trợ các nhà đầu tư như Starbucks, McDonalds đầu tư dự án "thuyền cà phê" và thức ăn nhanh di động trên các tuyến đường thủy phục vụ nhu cầu của người dân, du khách để tạo sự đa dạng, phong phú cho sản phẩm du lịch.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên