Vùng cân bằng mới 1.150-1.180 điểm, cơ hội mở ra cho nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao?
Theo quan điểm ông Đỗ Bảo Ngọc, hầu hết nhà đầu tư đều gặp bất lợi trong giai đoạn thị trường giảm mạnh, kể cả những NĐT lớn nhất, cầm nhiều cổ phiếu nhất rõ ràng không thể bán được với bối cảnh này.
Liên tiếp những thông tin không mấy tích cực từ chứng khoán thế giới cũng như xu hướng tăng lãi suất của hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đang thử thách tâm lý giới đầu tư trong nước. Nhà đầu tư sẽ cần hành động như thế nào hay đứng ngoài quan sát?
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Nhà sáng lập Nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock chia sẻ trong chương trình Khớp lệnh, thị trường hiện đang phản ánh những thông tin được cho là tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế. Hầu hết các thông tin này đã xuất hiện thời điểm tuần trước, và tích tụ trong khoảng thời gian cuối tuần và phiên đầu tuần đã thể hiện lên bảng giá.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng thị trường đang chiết khấu những thông tin xấu vào giá cổ phiếu. Đối với thông tin trong nước, việc NHNN điều chỉnh lãi suất 1% cũng tác động đến tâm lý chung của thị trường. Chuyên gia nhận định sự điều chỉnh này là phù hợp.
Xét về nhóm ngành bị tác động tới đợt điều chỉnh lần này, ông Ngọc nêu rõ: "Nhóm ngành đang giảm giá mạnh như Bất động sản là nhóm chịu tác động tiêu cực nhất của việc nền lãi suất của nền kinh tế tăng lên. Bất động sản luôn là ngành có dư nợ lớn, khi lãi suất có xu hướng tăng, chi phí của họ sẽ còn tăng cao hơn. Ngoài ra, nhóm này đang bị giới hạn bởi room tín dụng bên cạnh room chung của hệ thống NH đang gặp rào cản lớn."
Bên cạnh nhóm BĐS, bộ đôi nhóm ngành vốn hóa lớn nhất trên thị trường: Ngân hàng và Chứng khoán cũng chịu tác động bởi nhiều yếu tố thời gian vừa qua. Theo ông Ngọc, nếu 3 nhóm này điều chỉnh mạnh sẽ kéo mặt bằng chung đi xuống.
Vùng hỗ trợ quanh mức 1.150-1.180 trở thành vùng hỗ trợ cứng
Nhờ những giai đoạn điều chỉnh như hiện nay, ông Ngọc kỳ vọng đây là cơ hội cho một bộ phận NĐT cầm tiền mặt trong một khoảng thời gian dài. Sau mỗi giai đoạn thị trường chiết khấu, kỳ vọng sẽ tạo ra một vùng cân bằng mới. Do đó, ông Ngọc dự báo tuần này sẽ xuất hiện những phiên đầu tuần mất bình tĩnh nhưng sẽ ổn định lại trong vài phiên tiếp theo, vùng hỗ trợ quanh mức 1.150-1.180 có thể là vùng hỗ trợ cứng của thị trường.
Tuần giao dịch cuối quý 3 là tuần bản lề đón sóng mới, liên quan đến hoạt động chốt NAV nghĩa là chốt giá trị tài sản ròng các quỹ đầu tư tại Việt Nam. Ông Ngọc dự báo kịch bản diễn biến thị trường đầu tuần sẽ khá tiêu cực, và dần tích cực hơn về cuối tuần.
"So sánh tương quan với thị trường chứng khoán Mỹ, hiện TTCK Mỹ đã tiệm cận vùng đáy của đợt đầu năm. Tuy nhiên Việt Nam mới giảm về quanh mức 1.180 và chưa về đáy 1.150. Ngoài ra, TTCK Mỹ đã chiết khấu khá sâu, Việt Nam trong những phiên tiếp theo tôi dự đoán sẽ có một lực cầu mới", ông nêu rõ.
Vị thế của nhà đầu tư: Ai là người có lợi nhất thời điểm này?
Theo quan điểm của vị chuyên gia từ Fstock, hầu hết nhà đầu tư đều gặp bất lợi trong giai đoạn thị trường giảm mạnh. Kể cả những NĐT lớn nhất, họ cầm nhiều cổ phiếu nhất rõ ràng không thể bán được với bối cảnh này. Chính vì thế những quỹ quản trị tài sản lớn sẽ thiệt hại lớn nhất mỗi khi thị trường giảm.
Tuy nhiên, nhờ lợi thế là quỹ lớn và không sử dụng margin cùng tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn, họ sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu từ 3 đến 5 năm. Do đó, những biến động ngắn hạn đối với các nhóm quỹ lớn không phải vấn đề quá lớn.
Song song, đối với những NĐT ngắn hạn sử dụng đòn bẩy cao và margin nhiều lại trở thành những NĐT chịu áp lực lớn nhất trong điều kiện thị trường đi xuống. NĐT chịu áp lực sẽ bán mạnh cổ phiếu và những người chịu áp lực lớn nhất sẽ bán mạnh nhất, từ đó thị trường tạo ra vùng đáy.
Như vậy, ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định rằng trong bối cảnh như hiện nay sẽ là rủi ro đối với những NĐT cầm nhiều cổ phiếu và là cơ hội đến với NĐT có tỷ trọng tiền mặt cao.
Hành động gì trong tuần cuối cùng của quý 3?
Chia sẻ tại chương trình, chuyên gia Fstock cũng đưa ra một số lưu ý về chiến lược giao dịch:
Đối với NĐT nắm giữ cổ phiếu mà chưa sử dụng margin, họ không có áp lực để bán vào những phiên tiêu cực như thế này. Nếu muốn bán, hãy chờ nhịp hồi của thị trường để xuất hiện giá tốt hơn.
Đối với những NĐT có tỷ trọng margin cao, tình huống hiện tại là phải tập trung quản trị rủi ro danh mục của mình để tránh bị call margin. NĐT có thể chọn giải pháp bán giảm tỷ trọng để giữ cho tỷ lệ trên tài khoản ở mức an toàn và không nên cố gắng bán toàn bộ danh mục của mình.
Bên cạnh đó, bàn về nhóm cổ phiếu đón nhận dòng tiền tích cực như bảo hiểm hay đầu tư công trong 1 tuần trở lại đây, ông Ngọc chỉ ra điểm tích cực là trong các phiên thị trường giảm sâu, nhóm này chưa điều chỉnh nhiều như thị trường. Nhìn về trung hạn, các nhóm này sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn lãi suất có xu hướng tăng và kết quả kinh doanh quý 3, quý 4 có thể được cải thiện về mặt con số. Và đối với những NĐT ngắn hạn đã có lãi ở nhóm này, ông Ngọc cho hay NĐT có thể nghĩ tới việc chốt lời, song với tầm nhìn trung hạn và xa hơn, NĐT xem xét tiếp tục gồng lãi và kỳ vọng vào kết quả quý 3 sắp tới.
Nhịp sống kinh tế