'Vùng xanh' phục hồi sản xuất
Ảnh: Hương Chi - Tiền Phong
Sau một thời gian đóng cửa vì dịch, một số địa phương ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang dần trở về trạng thái bình thường mới; đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình mở cửa sản xuất, khôi phục kinh tế ở “vùng xanh”.
3 giai đoạn phục hồi
Ngày 15/9, tỉnh Bình Dương công bố trở về trạng thái bình thường mới. Ngoài việc thay đổi cách thức phòng, chống dịch, địa phương này lên kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, cho biết kế hoạch khôi phục kinh tế, xã hội, địa phương chia thành 3 giai đoạn trên tinh thần vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế.
Trong gia đoạn 1 (15/9 - 31/10), Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn “vùng xanh” gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và TP Thủ Dầu Một. Về tổ chức sản xuất kinh doanh và lưu thông, thực hiện phương án lưu thông liên huyện “vùng xanh” phía Bắc.
Giai đoạn 2 (sau 31/10), trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội một cách có chọn lọc. Ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như karaoke, vũ trường, quán bar, massage.
Giai đoạn 3 (sau 31/12), trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội.
Tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình, giai đoạn 1 bắt đầu với các doanh nghiệp (DN) đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại. Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động đã tiêm mũi 2 được hai tuần hoặc đã tiêm mũi 1 được bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ. DN nào đã xây dựng phương án đáp ứng tất cả các yêu cầu một cách bền vững thì có thể chuyển qua giai đoạn. DN không được bước vào giai đoạn 2 cho đến khi xác định được hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất. Giai đoạn 2, nâng công suất lên tối đa 50%. Giai đoạn 3, nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất.
Để phục hồi, Đồng Nai xác định mở cửa “vùng xanh”, kiểm soát chặt “vùng đỏ” và DN vẫn tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ” với những điều kiện, quy định mới. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, tỉnh chủ trương thúc đẩy các “khu công nghiệp xanh”, “DN xanh” trở lại hoạt động. Những “DN xanh” được kết nối với “địa phương xanh”, đưa người lao động vào “khu công nghiệp xanh” để phục hồi sản xuất. DN ở “vùng xanh” kết nối với công nhân vùng xanh thì hoạt động bình thường. Nhưng “DN xanh” nằm trong “vùng đỏ” khi kết nối với công nhân lao động “vùng xanh” phải đảm bảo đưa rước công nhân an toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân từ nơi cư trú đến nơi làm việc.
DN chủ động ứng phó với dịch
Ông Mai Hùng Dũng cho biết, để khôi phục kinh tế, Bình Dương thực hiện chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí. Hỗ trợ thực hiện các chính sách thuế, bảo hiểm xã hội triển khai đến DN với thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Hướng dẫn các DN thực hiện hồ sơ nhập cảnh của lao động nước ngoài sau 15/9, giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19; xây dựng phương án hỗ trợ DN tìm nguồn lao động thay thế. Triển khai vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử; hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa nội địa, tham gia các Hội chợ, kênh thương mại trực tuyến để xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới…
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tỉnh sẽ giao quyền tự chủ cho DN trong việc đảm bảo an toàn sản xuất. DN phải hoàn toàn chủ động ứng phó với dịch bệnh để duy trì sản xuất. Nhà nước hỗ trợ DN tiêm vắc-xin, xét nghiệm phát hiện F0; hỗ trợ cách ly F1, điều trị F0; hỗ trợ đào tạo về dịch tễ, tổ chức không gian, khung pháp lý để ứng phó với dịch bệnh. DN nào an toàn thì được tiếp tục sản xuất, không đảm bảo thì phải dừng sản xuất ngay.
Tiền Phong