'Vùng xanh' vẫy gọi
Nhiều địa phương là “vùng xanh” (hết dịch) hoặc có vùng an toàn để phát triển du lịch đã mở đón khách nội địa ngay trong tháng 9.
- 14-09-2021Bài học gì cho Việt Nam khi Mỹ, Australia, Singapore... lần lượt từ bỏ zero-Covid, coi đây là bệnh đặc hữu như cúm?
- 14-09-2021Lương lao động sơ cấp nghề Việt Nam cao hơn hẳn so với lao động trung cấp hay cao đẳng: Chuyên môn có phản ánh đúng thu nhập?
- 14-09-2021The Economist: Khi chi phí vận tải không giảm, tàu hết chỗ nằm chờ, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng ra sao?
Quy trình nghiêm ngặt
Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong đón khách du lịch trở lại nhưng chỉ áp dụng với khách nội tỉnh đến các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn từ ngày 13/9. Lãnh đạo khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort cho biết, toàn bộ cán bộ, nhân viên và 100% nhân viên phục vụ trực tiếp đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và thực hiện test nhanh COVID-19 định kỳ. Khu nghỉ dưỡng khuyến khích khách sử dụng xe gia đình để đảm bảo an toàn và khi đến resort sẽ được bố trí ở biệt thự biệt lập, không gian xanh, yên tĩnh. Khu du lịch này đang dành riêng ưu đãi cho khách nội tỉnh với mức giảm giá lên đến 30%.
Theo vị lãnh đạo Flamingo, họ tự tin có thể áp dụng mô hình đón khách du lịch có hộ chiếu vắc-xin sau khi Phú Quốc được triển khai thành công. Lý do là khu nghỉ dưỡng này đều tọa lạc tại những vị trí an toàn biệt lập, phù hợp với xu hướng nghỉ hiện nay của khách hàng. “Chúng tôi kiến nghị các tỉnh cho phép đón du khách nội địa với “thẻ xanh” COVID-19 với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính trong thời gian quy định. Đây sẽ là một trong những giải pháp để nối lại các chuyến bay trong nước, khôi phục và tiếp tục phát triển ngành du lịch, dịch vụ”, vị này nói.
Ngày 12/9, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo hoạt động lại từ 15/9. Đối với hoạt động du lịch tại 4 huyện nói trên, tỉnh thí điểm các khách sạn có dịch vụ khép kín được đón khách nội địa là: Khu phức hợp Hồ Tràm Strips, khách sạn Melia Hồ Tràm, khu du lịch suối nước nóng Bình Châu (đều ở huyện Xuyên Mộc) và khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo ở huyện Côn Đảo.
Theo đó, khách sạn tham gia thí điểm phải có dịch vụ khép kín, có khu vực giao nhận hàng hóa, khu vực cách ly riêng biệt... Nhân viên phục vụ phải được tiêm 2 liều vắc-xin hoặc một liều vắc xin tối thiểu 14 ngày trước khi vào làm việc. Ngoài ra, nhân viên phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (xét nghiệm lặp lại sau mỗi 72 giờ), đảm bảo “3 tại chỗ”, cam kết làm việc xuyên suốt trong khách sạn; được tập huấn các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng mở cửa cho khách nội địa với kế hoạch từng bước một, khoanh vùng địa lý, điều kiện cho người đi du lịch hoàn toàn khả thi. Hiện tại, hiệp hội cũng ghi nhận được sự hưởng ứng, nóng lòng được sớm trở lại thị trường của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Còn tại Bình Thuận, dù lượng khách lẫn doanh thu từ hoạt động du lịch tiếp tục giảm lần lượt 93,3% và 94% so với năm 2020 song ngành du lịch Bình Thuận đang tăng cường xúc tiến quảng bá điểm đến bằng nhiều hình thức, đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch TT-Huế, cho hay, ngành du lịch TT-Huế hiện tập trung chuẩn bị giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch; trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế đón khách du lịch đến từ các địa phương không có dịch; khách du lịch đến từ các địa phương có dịch nhưng không nằm trong vùng bị cách ly. Tỉnh TT-Huế cũng chú trọng truyền thông, quảng bá kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ để các nhóm cộng đồng, đơn vị, tổ chức tham quan các điểm du lịch, các di tích, di sản trong tỉnh; các doanh nghiệp trong tỉnh tiêu thụ, sử dụng dịch vụ.
Tỉnh tiếp tục ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ có liên quan. Đến giữa tháng 9/2021, toàn tỉnh tiêm xong mũi 2 cho hơn 3.500 người lao động trực tiếp trong ngành du lịch.
Cơ hội bứt phá cho ngành du lịch
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO cho biết, tập đoàn có hơn 1.500 phòng tiêu chuẩn quốc tế đạt chuẩn 5 sao để đón du khách đến với đảo Ngọc. Theo ông Đức, việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc là cơ hội để các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú, dịch vụ... khởi động lại các hoạt động.
“Đây là thời điểm thuận lợi để các đơn vị chủ động xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với cả khách nội địa và quốc tế. Khi việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc thành công, mô hình này có thể tiếp tục được nhân rộng ra những địa phương khác. Chúng ta cũng nhìn xem trong khu vực và trên thế giới những mô hình thành công đã được triển khai ra sao để học tập, rút kinh nghiệm. Cơ hội hồi phục cho ngành du lịch Việt Nam là rất lớn nếu có sự đồng lòng quyết tâm của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là làm sao vừa hồi phục và phát triển hoạt động của doanh nghiệp vừa đảm bảo phòng, chống dịch an toàn cho du khách và người lao động.
Tiền phong