Vướng mắc xử lý chung cư xuống cấp ở Đà Nẵng
Một số chung cư ở Đà Nẵng xuống cấp nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân sống trong cảnh bất an.
Khu chung cư Thuận Phước (trên đường Nguyễn Đức Cảnh), chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (quận Hải Châu) và chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu) ở Đà Nẵng xuống cấp nhưng vướng nhiều thủ tục, người dân vẫn phải chờ.
Sống thấp thỏm trong chung cư xuống cấp
Mặc dù chủ trương di dời 288 hộ dân sinh sống tại khu chung cư Thuận Phước (trên đường Nguyễn Đức Cảnh) đã có từ nhiều năm qua, thế nhưng đến nay, công tác giải tỏa vẫn giậm chân tại chỗ. Hiện, 8 block nhà chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng loạt hạng mục hư hỏng nặng.
Bà Cao Thị Sa (chủ căn hộ số 306 - khu chung cư Thuận Phước) cho hay, gia đình bà đã sống tại khu chung cư này từ năm 2001. Vì điều kiện khó khăn, gia định không đủ điều kiện để sửa chữa căn hộ nên việc xuống cấp diễn ra nhanh chóng.
"Vì kết cấu đã xuống cấp nên vào lúc trời có mưa lớn đều rất bất tiện, tường nhà, sàn nhà đều bị ẩm mốc vì thấm nước. Lo hơn nữa là vào mùa mưa bão, căn phòng có thể bị hư hỏng bất cứ lúc nào không hay", bà Sa nói.
Tương tự, gia đình bà Phượng (căn hộ số 307) cũng thường xuyên chịu cảnh nước đổ xuống sàn khi vào mùa mưa vì tường bị nứt nhiều chỗ. Nhiều lúc cả gia đình không có chỗ ngủ do sàn nhà ướt đẫm, nhiều lần phải thức trắng đêm lau dọn.
"Mặc dù gia đình đã nhiều lần bỏ tiền ra tu sửa nhưng đâu lại vào đấy. Đến mùa mưa bão thì không ai dám ở trong chung cư này, mọi người đều phải sơ tán đến nơi an toàn bởi những ngôi nhà này có thể sập bất cứ lúc nào", bà Phượng nói.
Không chỉ riêng chung cư Thuận Phước, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn 2 khu chung cư khác cũng xuống cấp nghiêm trọng là chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (quận Hải Châu) và chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP. Đà Nẵng vừa qua, ông Vũ Quang Hùng, đại biểu HĐND quận Hải Châu cho biết, 10 năm trước TP. Đà Nẵng đã có chủ trương di dời 288 hộ dân sinh sống tại khu chung cư Thuận Phước trên đường Nguyễn Đức Cảnh, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Trong khi, 8 block nhà chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng loạt hạng mục hư hỏng nặng, lún, nứt tại nhiều vị trí. Đa số tường nhà đều bị thấm nước, rêu xanh mọc đầy, thậm chí có căn hộ chỉ cần dùng tay là có thể bóc được cả mảng tường.
Cũng theo ông Hùng, từ 3 năm trước, các khu chung cư Thuận Phước (288 hộ), Lâm đặc sản Hòa Cường (72 hộ) đã hết hạn sử dụng. Tất cả các khu chung cư này chỉ có thể sơn phết, chống thấm, thay cửa... còn bên trong các chủ hộ tự sửa chữa.
Chất lượng các chung cư này kém do công trình bàn giao sử dụng đã hơn 20 năm, đầu tư với suất đầu tư thấp, quy mô nhỏ từ 3 - 5 tầng và không có thang máy. Nhiều chung cư được thi công gấp rút để đáp ứng nhu cầu tái định cư. Ngoài ra, công tác duy tu bảo dưỡng chưa kịp thời do thiếu vốn...
"Việc nhiều người dân ở trong các chung cư xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, được thành phố đưa chủ trương xử lý trong nhiều năm qua. Nhưng đáng nói, việc này vẫn cứ dai dẳng, đến nay chưa được xử lý dứt điểm", ông Hùng phản ánh.
Theo ông Hùng, từ năm 2017 TP. Đà Nẵng đã có chủ trương giao Sở Xây dựng nghiên cứu vị trí đất để xây dựng khu chung cư hiện đại từ 15-20 tầng phục vụ di dời khu chung cư Thuận Phước và Lâm đặc sản Hòa Cường, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Người dân vẫn phải chờ…
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, đối với khu chung cư Thuận Phước và Lâm đặc sản Hòa Cường, thành phố đã tổ chức kiểm định chất lượng với mức độ C - khả năng chịu lực của một số kết cấu không đáp ứng yêu cầu.
"Hiện nay, phương án của Sở Xây dựng báo cáo UBND TP. Đà Nẵng chọn khu đất ở đường Trịnh Công Sơn (quận Hải Châu) để xây chung cư hiện đại. Tuy nhiên, công tác triển khai đang vướng một số vấn đề, UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Ban Quản lý đô thị làm chủ đầu tư triển khai, nghiên cứu kêu gọi đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách đối với dự án này", ông Phong thông tin.
Ông Phong cho biết thêm, trong quá trình triển khai gặp vướng về luật, trong đó quy định đối với những chung cư, nhà ở xã hội đầu tư bằng vốn ngân sách thì di dời, xây mới phải đầu từ bằng vốn ngân sách.
"TP. Đà Nẵng đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và đã tiếp thu sửa trong Luật Nhà ở, cho phép đầu tư kêu gọi xã hội hóa, ngoài ngân sách đối với những dự án tái thiết. Việc này rất cần thiết đối với thành phố, vì những dự án chung cư xuống cấp sau 20 năm rất cần kêu gọi xã hội hóa để phát triển quỹ nhà ở xã hội trong thời gian tới", ông Phong nói.
Theo ông Phong, trước mắt, đối với hai khu chung cư Thuận Phước và Lâm đặc sản Hòa Cường, về phương án đây là những chung cư nhà ở xã hội được thuê, do đó sẽ thuê lại vị trí khác của chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian chờ sửa đổi Luật Nhà ở.
Nhà đầu tư