MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt áp lực cạnh tranh, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng 70 tỉ USD

Đối với Việt Nam, việc EVFTA được ký kết và đưa vào thực hiện sẽ là cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Ủy ban Châu Âu (EC) đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng Châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện Châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). EC cũng đã họp báo chính thức công bố thông tin này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Giảm 99% thuế quan với tất cả các mặt hàng

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, EVFTA là Hiệp định chất lượng cao nên việc xóa bỏ hàng rào thuế quan ở mức cao nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho DN, ngành hàng, sản phẩm Việt Nam. Có tới gần 99% ngành hàng, sản phẩm Việt Nam được hưởng thuế.

EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép. Các mặt hàng nông sản, thủy sản, gạo đường, mật ong, nông sản chế biến, mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày, công nghiệp ôtô cũng được hưởng ưu đãi từ Châu Âu.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ miễn thuế (hiện là 78%) đối với xe ôtô nhập khẩu từ EU trong 10 năm tới; miễn thuế (hiện là 50%) đối với rượu vang trong 7 năm. Các công ty EU cũng sẽ có thể được đấu thầu các hợp đồng công của Việt Nam.

Việt Nam cũng cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU. Có thể nói rằng, EVFTA được thực thi mang lại lợi ích quan trọng cho cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại Châu Âu và Châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ vui mừng bởi sau một thời gian dài bị trì hoãn, EVFTA đã trong giai đoạn khai thông và hy vọng cuối năm nay sẽ được ký kết. EVFTA là hiệp định thương mại rất quan trọng, EU là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chỉ sau Mỹ nên việc mở rộng mậu dịch của Việt Nam với EU qua EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho thương mại hai nước, đặc biệt là Việt Nam.

TS Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ: Điểm thuận lợi cho Việt Nam là về mặt lịch sử, chúng ta đã có giao thương với các nước Châu Âu từ nhiều năm nay, sản phẩm chủ yếu là hàng tiêu dùng và thực phẩm. Bên cạnh đó các nước EU cũng có kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam bởi có bề dày giao thương.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, các hiệp định thương mại đều có đi có lại, tức là mỗi bên đều mở cửa thị trường cho bên kia. Bởi vậy, cơ hội và thách thức luôn cùng tồn tại. Tuy nhiên, đối với Việt Nam và EU, do có sự khác biệt nhiều về cơ cấu sản xuất, nên tính bổ sung sẽ nhiều hơn tính cạnh tranh.

Thị trường EU rất rộng lớn (so với quy mô nền kinh tế Việt Nam) nên khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ sáng sủa hơn rất nhiều khi EU mở cửa. Khi cơ hội xuất khẩu tăng thì việc thu hút FDI cũng tăng theo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, thị trường EU là thị trường rất lớn, có thể nói có dung lượng chỉ sau thị trường Mỹ. Ở phương diện vận chuyển, hàng hóa từ Việt Nam đi EU sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với đi Mỹ.

Quan trọng hơn, những mặt hàng EU đang tích cực tìm kiếm là những mặt hàng có liên quan đến thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, thủy sản, nông nghiệp. Từ đó có cơ hội xuất khẩu sang EU khi thuế suất thấp xuống.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ nhận được tác động lớn từ hiệp định này. Dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4-6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỉ USD năm 2019 và đến năm 2028 tăng 70 tỉ USD.

Vượt áp lực cạnh tranh, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng 70 tỉ USD - Ảnh 1.
Hiệp định thương mại EVFTA mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với các DN Việt Nam. Ảnh: Minh Khuyên-Kh.Vũ
Áp lực cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi cam kết mở cửa thị trường phải tính đến áp lực cạnh tranh EU và Việt Nam như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ôtô, công nghệ thông tin, nông sản chăn nuôi, thực phẩm chế biến.

Tuy nhiên, ở mức độ hội nhập sâu rộng thì Việt Nam phải xác định cạnh tranh mang ý nghĩa tích cực, đáp ứng yêu cầu chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh và chúng ta phải tái cơ cấu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ hội giúp Việt Nam định hướng và phát triển cao hơn, có chuỗi giá trị chung với các đối tác và từ đó mang lại hiệu quả đầu tư với các ngành kinh tế.

Để vào được thị trường EU, các DN cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn lao động, thực vật của EU. Đặc biệt, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các DN vừa và nhỏ cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Vẫn có những rào cản nhất định

Vẫn có những rào cản nhất định về mặt nhận thức cũng như hiểu biết lẫn nhau, vì thế trong việc ký kết hiệp định này có những điều khó khăn cho phía chúng ta như trong suốt thời gian vừa qua. Việc ký kết được EVFTA sẽ vừa là thuận lợi, song đồng thời cũng là thách thức, là cơ hội để buộc các DN của chúng ta phải nâng cao chất lượng hiệu quả sản phẩm của mình, từ đó mới vượt qua được các hàng rào kỹ thuật mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới người ta đòi hỏi.

Để cạnh tranh với hàng hóa EU đưa vào cũng như muốn xuất khẩu đi EU, các DN Việt Nam sẽ phải đầu tư tài chính, nhân lực, nhà xưởng, thiết bị để ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ sạch vào quá trình sản xuất trên cả các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp, bởi nếu không làm được điều đó thì sản phẩm của chúng ta không thể xuất khẩu vào thị trường EU.

TS Nguyễn Đức Độ: Dựa vào FDI, lợi ích thu được sẽ nhỏ hơn

Cần phải nhìn nhận rằng, việc tăng chất lượng sản phẩm cho đến nay vẫn là công việc khó khăn vì trình độ công nghệ, lao động của Việt Nam chưa cao. Muốn cải thiện điều này, các DN sẽ phải chú trọng hơn vào việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực. Nếu không thì phải dựa nhiều vào FDI và lúc đó lợi ích thu được sẽ nhỏ hơn.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần cân bằng những điểm "chênh"

Vai trò của Nhà nước còn chiếm vị trí quá lớn trong nền kinh tế thị trường. Đâu đó nền kinh tế Việt Nam vẫn còn bóng dáng của nền kinh tế bao cấp ngày xưa. Nhiều quy định, luật lệ của Việt Nam cũng chênh với các nước EU và đây chính là cản trở. Để hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần cải cách nền hành chính, thủ tục thông thoáng hơn.

Nhưng điểm cốt lõi nhất là nền kinh tế Việt Nam phải đúng là nền kinh tế thị trường, vai trò của các DN nhà nước phải được giảm đến mức thấp nhất. Chúng ta phải đẩy nhanh chương trình thoái vốn của Nhà nước tại các DN để tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN. Khi ta được công nhận nền kinh tế thị trường thì sẽ gặp thuận lợi hơn. Đức Thành - Khánh Vũ ghi

Theo Khánh Vũ - Đức Thành

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên