MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ đi làm thuộc nhóm cao nhất thế giới

Khoảng 79% phụ nữ Việt Nam thuộc độ tuổi từ 15 - 64 đang nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ này cao hơn tất cả các nước thành viên OECD ngoại trừ Iceland, Thụy Điển và Thụy Sĩ, và cao hơn 10% so với Trung Quốc, theo The Economist.

Bà Đông Thị Vinh hăng hái sải bước qua mảnh vườn tại nông trại của bà về phía nam Hà Nội. Thi thoảng bà lại dừng chân để nhổ cỏ và tỉa lá cây bưởi nhà mình. Cùng với một người bạn, bà đã mở một công ty kinh doanh rau củ quả hữu cơ 7 năm về trước. Từ đó đến nay, lượng thành phẩm bán ra hàng năm đã tăng gấp 10 lần, một phần nhờ vào các hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các trường học khu vực lân cận mà cơ sở này đã thắng thầu.

Phụ nữ là "trụ cột gia đình" về mặt tài chính, bà Đông kể lại. Bà tuyển dụng 19 công nhân toàn thời gian, tất cả đều là nữ. Con gái bà Đông đã bỏ công việc hành chính nhà nước để về làm cùng doanh nghiệp gia đình.

Việt Nam có tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động (tỉ lệ phụ nữ được làm trả công hoặc đang kiếm việc) thuộc nhóm cao nhất thế giới. Khoảng 79% phụ nữ thuộc độ tuổi từ 15 -  64 đang nằm trong lực lượng lao động, so với con số 86% ở nhóm nam. Con số còn cao hơn tất cả các nước thành viên OECD ngoại trừ Iceland, Thụy Điển và Thụy Sĩ, và cao hơn 10% so với Trung Quốc, người hàng xóm của Việt Nam.

Vượt Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ đi làm thuộc nhóm cao nhất thế giới - Ảnh 1.

The Economist cho biết nhiều học giả tin rằng Việt Nam từng là một xã hội mẫu hệ trước khi bước vào thời kỳ Bắc thuộc vào năm 111 trước Công nguyên. Một trang sử dài của những cuộc chiến chống lại giặc ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử đất nước đã đã kéo phụ nữ vào lực lượng lao động khi ngày càng nhiều đàn ông bị thương tật và chết.

Trong năm 1960, trong độ tuổi từ 25 – 54, tỷ lệ đàn ông trên số phụ nữ là 97/100. Sau năm 1975, con số này là 93. Bà Đông kể rằng chồng bà đã bị suy giảm sức khỏe và không còn lao động chân tay được trong thời gian dài. Có hàng trăm người như ông ở làng của họ.

Tư tưởng Nho giáo cũng góp phần tăng lượng phụ nữ đi làm. Tư tưởng này đã giúp tạo nên một cảm thức rằng phụ nữ có nghĩa vụ đạo đức phải kiếm tiền.

Những chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng hỗ trợ điều này. Kì nghỉ sinh đẻ đã được tăng lên 6 tháng vào năm 2013, cao sao với tiêu chuẩn khu vực.

Các giới khác nhau nhắm đến các lĩnh vực công việc khác nhau. Đàn ông thường nhận những việc làm trong tập đoàn hoặc tổ chức mang lại địa vị xã hội, trong khi phụ nữ thường hướng đến kinh doanh hơn. Tổ chức Theo dõi kinh doanh toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor) điều tra vấn đề giới trong cộng đồng sở hữu doanh nghiệp mới nổi trên khắp 54 nước. Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ trên đàn ông cao nhất: 1,14/1. Đây một phần là do các bà mẹ vẫn còn phải chăm con, nên họ phải làm những công việc giờ giấc linh hoạt.

Những cơ sở kinh doanh do phụ nữ sở hữu thường không chính thức. Phụ nữ chiếm đến 55% số người tự kinh doanh. Họ thường bắt đầu một cơ ngơi buôn bán để trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hồng mỗi ngày làm việc 10 tiếng tại sạp hàng bán thịt gà trong một khu chợ đông đúc tại Hà Nội. Cùng với chồng, cô chăm lo cho 3 người con, cha mẹ chồng và anh trai chồng. "chúng tôi sống kiểu gì nếu tôi không làm việc", cô nói với The Economist.

Ngay trong khu vực chính thức, công việc cũng không hề suôn sẻ. Phụ nữ thường xuyên đối mặt với vấn đề kỳ thị giới tính. Nhiều phụ nữ phàn nàn về những rào cản vô hình, mặc dù phụ nữ trẻ Việt Nam giờ đã được giáo dục tốt hơn đàn ông. Các bà vợ cũng vẫn phải làm cả tá việc nhà.

Dù vậy, với nền kinh tế đang chuyển dần từ canh tác sang gia công sản xuất, phụ nữ lao động đang dần trở nên độc lập. Một báo cáo gần đây do Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong phát hiện ra rằng những tuyến đường mới tại đồng bằng Mekong trong hơn một thập kỉ nay đã khiến việc phụ nữ đi làm tại các nhà máy dệt và đóng gói lân cận trở dễ dàng hơn, trong khi chồng của họ ở nhà và thường tham gia việc đồng áng.

Phụ nữ giờ đã kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông, và cán cân quyền lực giữa họ cũng dần chuyển đổi. Những vụ li hôn trở nên phổ biến hơn và tỉ lệ bạo lực gia đình được ghi nhận đã giảm. Sức lao động của phụ nữ Việt có lẽ cuối cùng cũng mang lại lợi ích cho họ.

Hoàng Hải

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên