MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt qua 3 thách thức để phát triển kinh tế số

08-09-2023 - 11:34 AM | Kinh tế số

Kinh tế TP HCM phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn, cần không gian mới để phát triển nhanh, mạnh.

Ngày 7-9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM phối hợp với Vụ Kinh tế số (KTS) và Xã hội số (Bộ TT-TT) cùng Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo về thúc đẩy KTS TP HCM phát triển bền vững. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT; PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ KTS và Xã hội số (Bộ TT-TT); nhà báo - tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cùng chủ trì hội thảo.

Liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết thành phố đang vào cuộc mạnh mẽ để triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố với tâm thế rất cao. Mục tiêu đưa TP HCM trở lại quỹ đạo với tư cách là đơn vị dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng từ 2 con số trở lên.

Vượt qua 3 thách thức để phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến trong nền kinh tế số TP HCM. Trong ảnh: Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến .Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ông Thắng, TP HCM đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy KTS trong thời gian qua. Tuy nhiên, thành phố đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển KTS. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chưa nhiều. 

Giám đốc Sở TT-TT mong muốn từ hội thảo nhận được nhiều góp ý, hiến kế từ các chuyên gia, DN nhằm tìm ra nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy KTS phát triển. "Hội thảo là bước khởi đầu. TP HCM sẽ tổ chức nhiều chương trình hơn nữa để thúc đẩy KTS phát triển nhanh hơn và sâu hơn, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của kinh tế thành phố" - Giám đốc Sở TT-TT nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Minh Tuấn nhìn nhận 30 năm qua, thành phố đã phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn và cần không gian phát triển mới. KTS sẽ mang lại không gian đó cho TP HCM. Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn, TP HCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

PGS-TS Trần Minh Tuấn cho rằng TP HCM nếu đứng một mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu KTS chiếm 40% GRDP mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo. Mô hình lực kéo không gian đô thị của TP HCM đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan tỏa rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển KTS của vùng. Cuối cùng là phát triển thành phố thành trung tâm bưu chính/logistics của khu vực và cả nước.

Giải pháp cho từng kịch bản

Góp ý cho hội thảo, PGS-TS Đặng Thị Việt Đức, Trưởng Khoa Tài chính - Kế toán, Trưởng Lab KTS, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng để thúc đẩy KTS phát triển bền vững, TP HCM cần đánh giá, phân tích hằng năm để theo dõi, phát hiện vấn đề và đề xuất/điều chỉnh giải pháp. Đồng thời xây dựng kịch bản phát triển KTS tới năm 2025 và 2030 theo mục tiêu đã đặt ra để xem tính khả thi, từ đó đề xuất gói giải pháp phù hợp từng kịch bản. Ngoài ra, cần nghiên cứu KTS và chuyển đổi số (CĐS) trong một số ngành trọng điểm của TP HCM.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), nhìn nhận ngành dịch vụ sẽ có đóng góp đáng kể cho KTS thành phố. Do vậy, TP HCM cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho CĐS, KTS. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, đó là chính sách nào để thúc đẩy đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển KTS? 

Làm thế nào để khuyến khích sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động để tăng cường đào tạo nhân lực số, kỹ năng số cho người lao động? Mặt khác, tỉ lệ DN ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp nên thành phố cần có chính sách khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Alex Phan, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cũng chỉ ra 2 điểm nghẽn trong phát triển KTS của TP HCM là nguồn lực con người và tài chính. Để giải quyết những điểm nghẽn này, ông đề xuất thành phố có chính sách thu hút thêm nhiều nhân tài, nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ. Cũng như cần có nguồn quỹ để tài trợ cho các start-up lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Sẵn sàng thí điểm chính sách mới

Về mặt chính sách, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho hay từ năm 2020, thành phố đã ban hành Chương trình CĐS TP HCM và đặt ra mục tiêu đến năm 2030 TP HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Theo ông Thành, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh 7 nhóm giải pháp. Thứ nhất, truyền thông, nâng cao nhận thức về CĐS. Thứ hai, phát triển hạ tầng số, trong đó phát triển hạ tầng internet tốc độ cao và mạng viễn thông. Cụ thể, hạ tầng cáp quang internet băng rộng đến 100% xã, phường; hạ tầng di động 3G, 4G được phủ khắp thành phố. Thứ ba, xây dựng chính quyền số. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của TP HCM. 

Thành phố tập trung cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến nhu cầu bức thiết của người dân, DN để tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thứ tư, phát huy sứ mệnh của các DN công nghệ số. Đây không chỉ phát triển cho bản thân DN, ngành công nghệ thông tin mà còn thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển KTS của các DN khác. Thứ năm, truyền thông, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm công nghệ số. 

Thứ sáu, triển khai đồng bộ KTS với các chương trình của TP HCM, như hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông; đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố sẽ hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN nhỏ và vừa... Thứ bảy, thành phố phát triển hệ thống dữ liệu về người dân, DN và quản lý. Qua đó khai thác dữ liệu dùng chung TP HCM và mục tiêu lớn hơn là chia sẻ dữ liệu này cho khối tư nhân, qua đó thúc đẩy KTS.

Phó Giám đốc Sở TT-TT cũng cho biết trong Nghị quyết 98 có hỗ trợ chính sách cho DN thực hiện đổi mới sáng tạo. Đây là nội dung mới để thành phố nghiên cứu và tham khảo trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ các DN lĩnh vực đổi mới sáng tạo phát triển.

Thay mặt ban tổ chức tổng kết hội thảo, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM Lâm Đình Thắng nhìn nhận: "KTS là lĩnh vực rất mới nên trong quá trình trao đổi có nhiều ý kiến, thậm chí trái chiều nhau là bình thường, giúp làm vỡ ra nhiều vấn đề".

Ông Thắng cho biết có 3 nội dung có thể khẳng định được ngay. Một, hội thảo hôm nay không phải để tìm giải pháp quản lý nhà nước về lĩnh vực KTS mà tìm giải pháp về chính sách, hoạt động thực tiễn, công nghệ... Từ đó, thúc đẩy KTS thành phố phát triển một cách nhanh, bền vững. Làm sao để KTS lan tỏa, chính sách của nhà nước đi vào thực tiễn. 

Hai, TP HCM sẵn sàng thí điểm những chính sách mới của ngành TT-TT hoặc trên lĩnh vực KTS trên địa bàn. Sở TT-TT sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp, từ đó đề xuất lãnh đạo thành phố có những chính sách thử nghiệm về lĩnh vực này. Ba, TP HCM không bó hẹp trong vài DN lớn hoặc DN chuyên trách để thực hiện KTS mà càng nhiều DN tham gia càng tốt. Nếu DN có giải pháp, ý tưởng, sáng kiến, sở sẵn sàng kết nối để phát triển sự nghiệp chung.

 "Việc của chúng ta bây giờ là bắt tay nhau và làm sao để mang lại hiệu quả chung cho từng DN, cho thành phố. Qua hội thảo, ban tổ chức thu hoạch được rất nhiều từ ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, DN góp ý cho thể chế, chính sách hỗ trợ DN. Tất cả ý kiến tại hội thảo, sở sẽ tổng hợp và báo cáo UBND thành phố" - ông Thắng cam kết. 

Ông HÀ THÂN, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM: Động lực của kinh tế số phải đến từ doanh nghiệp

10-ha-than-16940584360331900429686

Yêu cầu của KTS gồm môi trường bên ngoài, môi trường bên trong và xã hội. Tuy nhiên, người dân và DN đang nhìn về KTS rất đơn giản, gồm 4 không: không giấy tờ (định danh điện tử, hóa đơn điện tử, trình ký điện tử); không tiền mặt; không tiếp xúc (họp, học trực tuyến, thiết bị tự động hóa...) và không phụ thuộc (nơi chốn, thiết bị, thời gian).

Thế giới đã tổng kết 15 lợi ích của KTS trong DN. Đối với lợi ích quốc gia, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta có thể dựa trên những mục tiêu này để thực hiện cuộc cách mạng số toàn diện. DN có thể xây dựng năng lực KTS theo mô hình viên kim cương của Leavitt (các thành phần tác động qua lại lẫn nhau), gồm nhân sự, cấu trúc tổ chức, công nghệ, quy trình công việc để giúp DN đạt mục tiêu mong muốn. Một cách nhìn khác, CĐS trong DN là chuyển đổi ứng dụng + nền tảng + hạ tầng, gồm dịch vụ ứng dụng, dịch vụ nền tảng và dịch vụ hạ tầng đám mây.

Thành phố nên cân nhắc lựa chọn các lĩnh vực kinh tế ưu tiên để tập trung CĐS; có lộ trình CĐS kinh tế, làm sao tăng trải nghiệm của người dân, DN đối với CĐS, KTS.

Ông ĐOÀN ĐẠI PHONG, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions): Xây dựng sách trắng về kinh tế số

10-dai-phong-16940610450432088033042

TP HCM cần phát triển KTS cho các ngành mũi nhọn như logistics - cảng biển; công nghiệp hóa kỹ thuật số và số hóa công nghiệp. Đồng thời mở rộng hệ sinh thái tài chính số. Bên cạnh đó, thành phố phát triển KTS bằng cách nâng cấp, phát triển hạ tầng số. Để đột phá được trong tương lai cần tăng tốc độ kết nối lên 10 GB tại các điểm kết nối; các khu chế xuất - khu công nghiệp có kết nối mạng riêng ảo ngành công nghiệp.

Đồng thời thí điểm xây dựng hạ tầng mạng Dual Gigabit với mục tiêu đến năm 2025 là 30% hộ gia đình sử dụng kết nối Gigabit (10 GB) trở lên và đến năm 2030 khoảng 80% - 90% hộ gia đình sử dụng kết nối 10 GB trở lên. TP HCM cũng cần đi đầu và xây dựng sách trắng về KTS (chỉ số, phương pháp theo dõi…); xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền KTS theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế hiện nay khi nói về KTS thì hiểu rất không đồng đều. Do đó, TP HCM cần đưa KTS thành một chuyên đề, xâm nhập vào các cấp, các ngành toàn TP HCM; xây dựng các chiến lược và giải pháp KTS ngành, lĩnh vực.

Ông PHAN PHƯƠNG TÙNG, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP HCM (DXCenter): Cần hiểu đúng về chuyển đổi số

10-z4670976227809844d14740f599ad3b21c88b2c48c250b-1694060995139608064202

Để thực thi CĐS hiệu năng cho DN, cần có giải pháp phù hợp, mang lại trải nghiệm người tiêu dùng tốt; sẵn sàng mở rộng, công nghệ không lạc hậu và chi phí vận hành thấp. DN cần hiểu đúng về CĐS, tiếp cận và chuẩn bị đúng, chọn đúng giải pháp và triển khai vận hành khai thác tốt.

Trung tâm DXCenter có các chương trình tư vấn, hỗ trợ DN CĐS, đào tạo nhận thức CĐS theo kiểu "may đo" cho các DN. Trung tâm cũng đã phối hợp Sở Công Thương TP HCM triển khai gói đào tạo về CĐS trong kinh doanh cho khoảng 210 DN trên địa bàn; triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hiện 3 chương trình phát triển DN và các sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm trên địa bàn năm 2023.

Theo Thanh Nhân - Phan Anh

Người lao động

Trở lên trên