MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt qua khó khăn, gần 28.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại

Ngày 29-7, Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2020.

Báo cáo cho biết dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng qua ước tính đạt 285,12 tỉ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 145,79 tỉ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỉ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỉ USD.

Về xuất khẩu, trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD như: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ… Theo Tổng cục Thống kê, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch trong 7 tháng đạt 37,9 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, đạt 23,5 tỉ USD, tăng 18,4%; thị trường EU đạt 19,5 tỉ USD, giảm 5,9%.

Vượt qua khó khăn, gần 28.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng qua ước tính đạt 285,12 tỉ USD. Trong ảnh: Xuất hàng qua cảng Sài GònẢnh: TẤN THẠNH


Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỉ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 41,6 tỉ USD, kế đến Hàn Quốc 24,3 tỉ USD, Nhật Bản 11,2 tỉ USD, Mỹ đạt 8,3 tỉ USD…

Về tình hình doanh nghiệp (DN) thành lập mới, Tổng cục Thống kê cho biết trong 7 tháng qua, cả nước có 75.200 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 936.400 tỉ đồng, tổng số lao động đăng ký 598.600 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 5,1% về DN thành lập mới, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về lao động. Đáng chú ý, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả nước có gần 28.600 DN quay lại hoạt động, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2020 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài. CPI bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 4,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản tháng 7-2020 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Theo M.Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên