MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt xa các nước phát triển, học sinh Trung Quốc thông minh nhất thế giới

04-12-2019 - 13:51 PM | Tài chính quốc tế

Học sinh Trung Quốc có kết quả cao hơn tất cả các quốc gia khác trong một cuộc khảo sát về khả năng đọc hiểu, toán và khoa học. Điều này nhấn mạnh rằng thế hệ này chính là "mầm non" cho sức mạnh phát triển kinh tế trong tương lai và các nền kinh tế phát triển sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp.

Nghiên cứu này được thực hiện 3 năm 1 lần. Năm nay, nhóm nghiên cứu khảo sát các học sinh 15 tuổi trên khắp thế giới cho thấy rằng 4 tỉnh, thành phố của Trung Quốc - Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang, có kết quả vượt trội về lĩnh vực khoa học và toán học. Trong khi đó, thu nhập hộ gia đình ở nơi này thấp hơn mức trung bình của toàn bộ học sinh tham gia khảo sát. Trong bài thi khả năng đọc hiểu, 10% học sinh Trung Quốc có hoàn cảnh khó khăn nhất đều có kỹ năng tốt hơn so với mức trung bình của nhóm học sinh đến từ các nước OECD.

Tổng thư ký OECD, Angel Gurria, cho hay: "Chất lượng của các trường học hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tiềm lực của các nền kinh tế trong tương lai."

Năm nay, PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) được thực hiện với sự tham gia của 600.000 học sinh đến từ 79 quốc gia. Kết quả lần này đã cho thấy sự khó khăn trong việc cải thiện ngành giáo dục, đôi khi nỗ lực phát triển lại không phụ thuộc vào nguồn lực của quốc gia đó. Đây dường như là một vấn đề đặc biệt đối với các nước OECD, khi họ tăng 15% khoản chi tiêu cho học sinh tiêu học và trung học trong thập kỷ vừa qua.

Gurra nhận định: "Thật thất vọng khi hầu hết các học sinh ở những nước OECD đều không có sự cải thiện về thành tích, kể từ khi PISA được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2000."

Ngoài ra, bản báo cáo cũng nhấn mạnh tình trạng chênh lệch về thành tích giáo dục phụ thuộc vào nền tảng kinh tế xã hội. Ở một số quốc gia, ngay cả khi chi tiêu của chính phủ đối với ngành này là tương đối cao, thì nền tảng của một học sinh vẫn đóng vai trò quan trọng trong kết quả, thành tích của họ.

Trung bình, 12% kết quả của học sinh tham gia bài kiểm tra khả năng đọc hiểu ở mỗi quốc gia có liên quan đến tình trạng kinh tế xã hội tại đó. Ở một số nước châu Âu, gồm Pháp và Đức, thì tỷ lệ đó tăng vượt mức 17%.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế bắt đầu được đưa ra từ năm 1997 và năm 2000 thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên. Học sinh tham gia kỳ thi PISA nằm trong khoảng từ 15 tuổi 3 tháng cho tới 16 tuổi 2 tháng, không nhất thiết phải học cùng khối lớp. Những học sinh này phải đến trường, không phải tự học ở nhà. Kỳ thi PISA chỉ tập trung kiểm tra kiến thức 3 môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Sau đó, ban tổ chức sẽ sử dụng một thuật toán để tính toán số điểm của các học sinh. 

PISA không phải bức tranh hoàn chỉnh giải thích đầy đủ hay chỉ ra cách thức phải quản lý giáo dục thế nào để học sinh đạt được điểm cao. Tuy nhiên, kỳ thi này cũng giúp các quốc gia nhìn ra sự khác biệt và cải thiện chính sách giáo dục của họ. Vì vậy, những yếu tố để tạo ra sự khác biệt là tiêu chuẩn khi tuyển dụng giáo viên, thu hút nhân tài, trả lương hợp lý và truyền cảm hứng cho giáo viên để họ truyền đạt kiến thức với tinh thần tốt nhất. 

Tham khảo Bloomberg

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên