Warren Buffett: 100 tỷ USD đã bị lãng phí để đánh bại thị trường
Nhà đầu tư huyền thoại một lần nữa khẳng định đặt tiền vào các quỹ đầu tư chỉ số mới là động thái đúng đắn.
- 26-02-2017Lọt top những khoản đầu tư lớn nhất, cổ phiếu Apple và hàng không giúp Buffett thắng lớn
- 22-02-2017Nguyên tắc bất di bất dịch này chính là lý do khiến Warren Buffett buông bỏ Unilever
- 21-02-2017Làm giàu kiểu BUFFETT
- 01-09-2016Từ ý tưởng điên rồ đến hành trình 40 năm vươn tới mốc 3.600 tỷ USD
Trong lá thư thường niên gửi tới các cổ đông của tập đoàn Berkshire Hathaway năm nay, nhà đầu tư huyền thoại Buffett đã dành khá nhiều trang giấy để chỉ trích những khoản phí đắt đỏ mà các nhà quản lý quỹ đầu cơ đánh vào nhà đầu tư.
“Khi hàng nghìn tỷ USD được quản lý bởi các chuyên gia trên phố Wall – những người luôn thu mức phí cao chót vót, các nhà quản lý quỹ sẽ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ chứ không phải khách hàng. Nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ cũng đều nên bám vào các quỹ đầu tư chỉ số có chi phí thấp”, bức thư có đoạn.
Buffett có tới hơn 5 trang để cập nhật cho các cổ đông về “ván bài” mà ông đã đặt cược từ gần 10 năm trước khi cho rằng một quỹ đầu tư có chi phí thấp theo dõi chỉ số S&P 500 sẽ có hiệu suất tốt hơn so với các quỹ đầu cơ. Ông cũng một lần nữa nói rằng không ít người giàu đã bị lừa bởi những lời khuyên từ phố Wall, lãng phí tới hơn 100 tỷ USD trong vòng 10 năm qua.
Cách đây 9 năm, Buffett đã đặt cược 1 triệu USD của ông với Protégé Partners. Buffett “thách” quỹ đầu tư này có thể chọn được một nhóm các quỹ đầu cơ mà nó cho là sẽ đánh bại quỹ đầu tư chỉ số theo S&P 500 trong 10 năm.
Trong lá thư năm nay, ông cho biết từ năm 2007 đến 2016 danh mục của Protégé Partners chỉ có lợi suất hàng năm ở mức 2,2%, so với con số 7,1% của quỹ đầu tư chỉ số. Buffett cho rằng khoảng 60% lợi nhuận mà quỹ đầu cơ thu được đã bị ăn mòn bởi các loại phí.
Gần như 100% Buffett sẽ thắng cược và ông đã tuyên bố sẽ đem toàn bộ 1 triệu USD đi làm từ thiện.
Không chắc giới nhà giàu sẽ nghe theo lời khuyên của Buffett, nhưng đến nay những lập luận của ông đang tỏ ra đúng đắn. Sau nhiều năm đầu tư thua lỗ, các quỹ đầu cơ đang phải đối mặt với sự quay lưng của các nhà đầu tư định chế cho rằng họ không có được khoản lợi nhuận xứng đáng với số tiền mình bỏ ra. Ngược lại, các quỹ đầu tư chỉ số đang “ăn nên làm ra”. Năm 2016, các quỹ đầu tư bị động thu hút được 504,8 tỷ USD vốn đầu tư mới trong khi các quỹ chủ động bị rút ròng 340,1 tỷ USD (số liệu từ Morningstar).
Trong thư, Buffett cũng ca ngợi Jack Bogle – nhà sáng lập nay đã 87 tuổi của quỹ đầu tư Vanguard. “Người đi tiên phong mở đường cho các quỹ chỉ số đã từng bị giới đầu tư ruồng bỏ vì ông né tránh những người giàu để đem lại những giá trị thực sự cho nhà đầu tư Mỹ”, Buffett viết.
“Trong những năm đầu tiên, Jack thường xuyên bị ngành quản lý quỹ chế nhạo. Tuy nhiên, ngày nay ông ấy hẳn rất thoải mái khi biết rằng mình đã giúp hàng triệu nhà đầu tư có được mức lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Ông ấy là người hùng của họ và cũng là người hùng của tôi”.
Tuy nhiên những lời bình luận về quỹ chỉ số của Buffett đã làm nhiều người hâm mộ khó chịu, không phải chỉ bởi vì sự thật là ông đã dành cả cuộc đời để tìm cách tạo ra mức lợi nhuận vượt trội cho Berkshire. Ông liên tục nhắc đi nhắc lại rằng đánh bại chỉ số S&P 500 là điều không thể.
“Tất nhiên, có một số cá nhân tài giỏi có thể liên tiếp đánh bại S&P. Tuy nhiên, nhìn từ cuộc đời mình, tôi rút ra rằng chỉ có khoảng 10 người có thể làm được như vậy”.
Buffett cũng chỉ rõ sự khác biệt giữa những loại phí mà các nhà quản lý quỹ thu từ nhà đầu tư với phí tư vấn mà các ngân hàng trên phố Wall thu được khi giúp giàn xếp các thương vụ.
“Berkshire vẫn hoàn toàn hài lòng khi nộp phí cho những ngân hàng đầu tư giúp chúng tôi thực hiện các vụ M&A. Tôi hiểu rõ sự dài rộng nông sâu của dòng chảy năng lượng ẩn trong từ đơn có 4 chữ cái đó (fees) khi nói về nó với phố Wall. Và khi năng lượng đó thực sự đem lại giá trị cho Berkshire, tôi rất sẵn lòng viết 1 tấm séc có giá trị lớn để thưởng cho họ”.
Index fund (quỹ đầu tư theo chỉ số) là loại hình quỹ được xây dựng nhằm mang lại cùng một mức thu nhập như mức mà nhà đầu tư mong muốn khi sở hữu tất cả các cổ phiếu trong một bảng chỉ số riêng nào đó - ví dụ như chỉ số S&P500. Đây thường được coi là loại hình đầu tư thụ động, đối lập với đầu tư chủ động theo cách thông thường.
Ban đầu, ý tưởng về một quỹ đầu tư chỉ số được coi là một trò đùa. Bạn có sẵn sàng mua vào hàng trăm cổ phiếu một lúc và sau đó để mặc cho thị trường quyết định mức lợi suất mà mình sẽ thu được?
40 năm trước, khi mà hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển và máy tính còn hiếm hoi, ý tưởng ấy càng trở nên điên rồ hơn. Ngoài ra quỹ đầu tư chỉ số còn làm phật ý những nhà đầu tư luôn tự hào về khả năng chọn ra những cổ phiếu tốt nhất trong hàng nghìn cổ phiếu trên thị trường.