WB lý giải nguyên nhân tháng 9 ghi nhận bội chi lớn, nhưng cân đối ngân sách 9 tháng vẫn bội thu
Vì sao ngân sách tháng 9 ghi nhận mức bội chi lớn nhất kể từ đầu năm, nhưng ngân sách ghi nhận bội thu mức hơn 46 nghìn tỷ đồng?
- 13-10-2021Bloomberg: Các 'ông lớn' Samsung, Intel dự kiến khôi phục sản xuất hoàn toàn vào tháng tới?
- 13-10-2021Vì sao khi già hoá dân số càng nhanh, khác biệt giữa người có lương hưu và không có lương hưu của Việt Nam càng rõ
- 12-10-2021Một chỉ số thống kê mới trong quý 3 đang trở nên đáng lo ngại?
Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 10/2021, trong 9 tháng đầu năm, ngân sách ghi nhận bội thu ở mức 46,6 nghìn tỷ đồng. Điều này là do tổng chi giảm 7,4% (so cùng kỳ năm trước), trong khi tổng thu tăng 10,5% (so cùng kỳ năm trước) nhờ kết quả thu khởi sắc trong nửa đầu năm.
Ngược lại, ngân sách tháng 9 ghi nhận mức bội chi lớn nhất kể từ đầu năm, khi thu ngân sách giảm 21,7% (so cùng kỳ năm trước). WB lý giải, kết quả này có thể do hoạt động kinh tế bị chững lại.
Về chi ngân sách, sau khi giảm mạnh trong tháng 8, giải ngân vốn đầu tư công tăng 3,9% trong tháng 9 (so cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, mặc dù phải tăng chi để kiểm soát đợt dịch lần thứ 4 và để hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình, nhưng chi thường xuyên vẫn giảm 3,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 8 và 12,7% trong tháng 9 (so cùng kỳ năm trước).
Hơn nữa, chính sách tài khóa thắt chặt - nhất là qua giảm chi thường xuyên - có nguyên nhân phần nào do những quy trình ngân sách, khó điều chuyển nguồn lực nhanh chóng trong thời điểm khủng hoảng. Mặt khác, kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân chậm trong nửa đầu năm và tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt cách ly xã hội trong quý 3/2021.
Đáng chú ý, trong tháng 9, một số biện pháp hỗ trợ tài khóa bổ sung được thông qua, trong đó có gói hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 10. Gói hỗ trợ này chủ yếu bao gồm miễn giảm thuế do hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giảm doanh số và các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cũng phê duyệt gói giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng trong đợt dịch đang diễn ra. Chính phủ vay 38,5 nghìn tỷ đồng trên thị trường trong nước trong tháng 9, nâng tổng vay nợ tính từ đầu năm lên 248,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 71% kế hoạch năm.
Thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ cho chi phí vay nợ ở mức thấp, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp tăng nhẹ thêm 7 điểm cơ bản lên mức 2,21% vào cuối tháng 9.