MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank: FED tăng lãi suất là tin tốt cho Việt Nam

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, theo nhận định của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam.

Kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày vào rạng sáng hôm nay (14/6), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25%, đồng thời ám chỉ từ nay đến cuối năm lãi suất có thể tăng thêm 2 lần nữa. Như vậy hiện mục tiêu lãi suất liên bang nằm trong khoảng 1,75 – 2%.

Bình luận về vấn đề này, tại cuộc họp báo chiều nay, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt nhận định là không đáng ngại đối với Việt Nam.

Ông nói rằng điều này đã được dự đoán trước đó. Và từ nay đến cuối năm, có thể còn ít nhất một lần nữa FED điều chỉnh tăng lãi suất.

Vị chuyên gia này thậm chí còn cho rằng đây là tin tốt cho nền kinh tế trong nước. Nguyên nhân lãi suất tăng được kỳ vọng khiến cho kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực, nhu cầu hàng hoá tăng cao. Vì thế, xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi khi cầu bên ngoài tăng lên.

Bên cạnh đó, ông Sebastian Eckardt cũng cho rằng dòng tiền chảy ra khỏi Việt Nam cũng không nhiều như Indonesia bởi danh mục trái phiếu quốc tế của Việt Nam không lớn. Do đó, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định của FED.

Đối với kinh tế Việt Nam nói chung, phía World Bank tỏ ta khá lạc quan. Tổ chức này đã nâng mức dự báo GDP Việt Nam lên 0,3 điểm % so với dự báo trước đó. Như vậy, GDP Việt Nam theo World Bank có thể đạt 6,8% trong năm nay.

Giải thích cho điều này, ông Sebastian Eckardt nói rằng lần dự báo hồi tháng 4 World Bank xây dựng trước khi chứng kiến số liệu của quý I/2018. Đồng thời, World Bank lúc đó cũng rất lo ngại về tình hình ngành khai khoáng Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay với những số liệu lạc quan hơn, World Bank đã điều chỉnh dự báo.

Mặc dù vậy, World Bank cũng cho biết Việt Nam cũng sẽ đối diện với nhiều rủi ro. Cụ thể, đó là chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức quốc tế này cũng quan ngại về tốc độ tăng trưởng tín dụng cao ở Việt Nam. Điều này có thể tác động rủi ro đến ngân hàng, làm xấu đi chất lượng tài sản trong ngân hàng cũng như gây ra bong bóng giá tài sản, theo chuyên gia kinh tế trưởng Sebastian Eckardt.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên