WSJ: Bắc Kinh yêu cầu các địa phương trên cả nước chuẩn bị "đón bão", sẽ không cứu Evergrande
Không muốn ra tay giải cứu "bom nợ" Evergrande, Bắc Kinh đang yêu cầu lãnh đạo các địa phương trên cả nước chuẩn bị cho khả năng "bão" ập đến.
- 24-09-2021Trung Quốc chính thức lên tiếng về Evergrande, không có dấu hiệu cho thấy "chúa nợ" tỷ đô được hỗ trợ tài chính
- 23-09-20213 lý do khiến "quả bom nợ" Evergrande sẽ không thể trở thành "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc
- 22-09-2021“Chúa nợ” tỷ đô Evergrande bất ngờ tuyên bố trả lãi trái phiếu nội địa đúng hạn
Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc đang yêu cầu các địa phương hãy chuẩn bị cho khả năng tập đoàn Evergrande sẽ sụp đổ. Một số quan chức địa phương miêu tả những yêu cầu này giống như "hãy chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng một cơn bão sẽ ập đến". Họ được hướng dẫn chỉ ra mặt vào phút cuối cùng nếu như Evergrande không thể xử lý vụ việc một cách êm thấm.
Các địa phương được giao nhiệm vụ ngăn chặn tình huống bất ổn xã hội và phòng chống những tác động ảnh hưởng lên người mua nhà và toàn nền kinh tế, ví dụ như giảm thiểu tối đa tình trạng người dân bị thất nghiệp.
Ngoài ra các địa phương được yêu cầu thành lập nhóm gồm các chuyên gia về kế toán và luật để kiểm tra tình hình tài chính liên quan đến hoạt động của Evergrande tại địa phương. Lãnh đạo các địa phương cần họp bàn với các doanh nghiệp bất động sản (cả tư nhân và quốc doanh) đang hoạt động trên địa bàn để lên phương án sẵn sàng tiếp quản những dự án của Evergrande. Đồng thời phải thành lập tổ công tác để kiểm soát tình hình nếu các vụ biểu tình nổ ra.
Tập đoàn Evergrande được thành lập từ 25 năm trước, có trụ sở tại Thâm Quyến. Hiện Evergrande đang có khoảng 800 dự án dang dở tại hơn 200 thành phố, gần như mọi tỉnh thành của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn này ảnh hưởng đến rất nhiều người, từ các nhà đầu tư, nhân viên của tập đoàn, các nhà cung ứng cho đến những người mua nhà. Các ngành khác trong nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Evergrande cho biết một số dự án đang bị ngừng thi công sau khi tập đoàn không thể thanh toán tiền cho nhà cung ứng và các nhà thầu phụ. Một số nhà thầu và người mua nhà đã tổ chức biểu tình bên ngoài văn phòng của Evergrande.
Theo nguồn tin thân cận, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang xem xét nới lỏng chính sách quản lý thị trường bất động sản ở một vài thành phố nhỏ, ví dụ như cho phép sở hữu ngôi nhà thứ hai dễ dàng hơn. Chính phủ có thể nới lỏng một số chỉ tiêu đo lường mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của các tập đoàn bất động sản. Evergrande đã vượt qua cả 3 "lằn ranh đỏ" về đòn bẩy tài chính và bị mất thanh khoản, rơi vào cuộc khủng hoảng nợ như chúng ta đang thấy.
Báo cáo mới đây của Morgan Stanley nhận định xét theo tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản trong nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh "sẽ cần phải tránh kịch bản thị trường nhà ở lao dốc quá nhanh và quá mạnh". Các phương án nới lỏng có thể bao gồm tăng chi tiêu tài khóa, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với các ngân hàng thương mại và nới lỏng điều kiện đối với khách hàng muốn vay thế chấp.
Tuy nhiên, các nới lỏng này sẽ chỉ được thực hiện ở các thành phố nhỏ và không làm thay đổi chiến lược siết chặt quản lý thị trường bất động sản mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện.
Theo con số chính thức, lĩnh vực bất động sản trực tiếp đóng góp khoảng 7,3% GDP Trung Quốc. Tuy nhiên giới phân tích nhận định tỷ trọng thực sự phải lên đến hơn 30%.
Tham khảo Wall Street Journal