WSJ: Trung Quốc siết giá hàng hoá, nhưng được bao lâu?
Dẫn lời các chuyên gia, WSJ cho rằng biện pháp siết giá hàng hoá của Trung Quốc chỉ có tác dụng tạm thời, chưa giải quyết được bài toán cung cầu.
- 25-05-2021Giá hàng hoá tăng phi mã, vì sao nhà khai thác vẫn dửng dưng tăng vốn đầu tư?
- 20-05-2021CNN: Giá hàng hoá quan trọng leo thang đe doạ kế hoạch 500 tỷ USD của Trung Quốc
- 06-04-2021Thế giới đang bước vào "siêu chu kỳ hàng hoá" tiếp theo?
- 11-03-2021Kẻ thắng người thua khi giá dầu và hàng hoá tăng
Trung Quốc đang cố gắng tung các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường các mặt hàng công nghiệp quan trọng như quặng sắt, đảm bảo việc giá nguyên liệu thô tăng mạnh không ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Quan chức Trung Quốc, đứng đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục nhắc về vấn đề nguyên liệu, hàng hoá kể từ giữa tháng 5. Tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện các bước để đảm bảo cung cấp đầy đủ và giá cả ổn định cho các mặt hàng.
Hôm chủ nhật (23/5), 6 cơ quan bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh và chứng khoán của Trung Quốc đã triệu tập đại diện các ngành hàng hoá để cảnh báo họ về các biện pháp không khoan nhượng đối với hoạt động bất hợp pháp như thao túng thị trường, đẩy giá và đầu cơ thái quá. Tham dự có đại diện các hiệp hội ngành hàng và nhà sản xuất hàng hoá.
Cơ quan chính phủ cũng cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các thị trường như đồng, nhôm, theo một tuyên bố hôm 24/5 của Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia, cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc.
Các động thái mạnh mẽ này diễn ra sau khi một số hàng hoá, nguyên liệu như đồng, quặng sắt tăng giá lên mức kỷ lục.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn giao dịch tại Đại Liên đóng cửa hôm 25/5 ở mức 183,36 USD/tấn, theo Refinitiv. Mức giá này thấp hơn khoảng 15% so với mức cao kỷ lục ghi nhận ngày 12/5. Giá của các loại tài nguyên thiên nhiên toàn cầu cũng đã giảm.
Trong khi các nhà máy của Trung Quốc đang ngày càng chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu toàn cầu, các nhà kinh tế cho rằng họ đang phải vật lộn để theo kịp chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Điều này làm giảm tỷ suất lợi nhuận, buộc một số nhà sản xuất phải tăng giá, trong khi một số khác tạm ngừng sản xuất.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tháng 4, một thước đo giá bán tại nhà máy, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2017.
Biểu đồ giá một số hàng hoá quan trọng
Chi phí tăng gây rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, Qu Hongbin - nhà kinh tế tăng trưởng của HSBC cho biết. Đó có thể là việc đầu tư chậm chạp, thị trường lao động yếu, doanh nghiệp vỡ nợ gia tăng nếu nhiều nhà sản xuất nhỏ của Trung Quốc đóng cửa tạm thời hoặc thậm chí sụp đổ. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế tổng thể của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cho biết giá hàng hoá leo thang do một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc như sự phục hồi mạnh mẽ và bất ngờ của Mỹ, thanh khoản toàn cầu dồi dào và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. "Các chính sách đơn lẻ của Trung Quốc không có khả năng ngăn chặn hoàn toàn áp lực tăng giá", ông Qu khẳng định.
Đồng tình với quan điểm nhà, các nhà phân tích của Citi cho biết chính sách của Trung Quốc, bao gồm việc tăng tỷ suất lợi nhuận các hợp đồng kỳ hạn và phí giao dịch có thể sẽ "làm chậm nhưng không giết chết được" đà tăng giá hàng hoá ở Trung Quốc.
Trong bản ghi chú gửi đến khách hàng, các nhà phân tích của Citi cho biết mặc dù có thể hạn chế tình trạng mua đầu cơ nhưng hầu hết biện pháp của chính quyền Trung Quốc không giải quyết được các vấn đề cơ bản về cung và cầu.
Tham khảo nguồn: WSJ