MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội): Làng quê yên bình ven sông Đáy

01-11-2022 - 08:00 AM | Bất động sản

Xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội): Làng quê yên bình ven sông Đáy

Là một xã thuần nông với tiềm lực phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, trong những năm qua, bộ mặt nông thôn mới tại xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội) đang dần khởi sắc với những thay đổi rõ rệt.

Hiệp Thuận - Mảnh đất nông nghiệp hiền hòa với những con người lương thiện, chất phác

Là một xã thuần nông thuộc ngoại thành Hà Nội, với diện tích 7,43km2, xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế khi có điều kiện địa lý phù hợp, cách thị trấn Phùng 1km, cách trung tâm thành phố 20km. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý là một làng quê ven sông Đáy, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Hiệp Thuận những điều kiện tuyệt vời để phát triển nông nghiệp. Hệ thống tưới tiêu, thủy lợi được hoàn thiện, cùng với những mảnh đất phù sa được bồi đắp qua hàng trăm năm đã tạo nên một Hiệp Thuận không chỉ sáng ngời với các di tích lịch sử, mà còn toát lên khung cảnh thanh bình của một làng quê nông nghiệp trù phú.

Bước chân trên những con đường xã Hiệp Thuận hôm nay, dễ dàng nhận ra phát triển nông nghiệp vẫn là một hướng đi chủ đạo của mảnh đất này. Chính quyền xã đã phối hợp với các ban, ngành trong huyện cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nhiều mô hình, dự án kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao, như: dự án 4,3 ha măng tây. Sau dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển kinh tế vườn trại bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, như 30 hộ ở khu đồng Khoái triển khai mô hình trồng bưởi diễn, nhãn, nuôi lợn… hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội): Làng quê yên bình ven sông Đáy - Ảnh 1.

Chính quyền xã Hiệp Thuận tham quan xưởng sản xuất của 1 doanh nghiệp trên địa bàn xã.

Đâu chỉ có vậy, mảnh đất phù sa trù phú ven sông Đáy còn ban tặng cho Hiệp Thuận điều kiện để phát triển nhiều loại sản vật khác, trong đó phải kể tới cây dâu. Vào mùa vụ, khắp làng trên xóm dưới xôn xao tiếng cười nói của người dân đang vào mùa thu hoạch dâu, tiếng ồn ào chào bán thu mua của các thương lái. Cây dâu (dâu ta) chịu mảnh đất màu, lớn nhanh như thổi, cho sản lượng trái xum xuê quanh năm.

Đất lành tạo nên những con người hiền hòa, chất phác. Dù cuộc sống hiện đại đã phần nào làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt, những con đường bê tông đã thay thế cho đường đất ngả đi khắp các xóm làng, nhưng người dân Hiệp Thuận vẫn giữ được cho mình sự hiền hòa, cần cù, chất phác, vẫn hào sảng với sự hiếu khách và không quên giữ trọn vẹn những giá trị văn hóa truyền thống.

Phát triển làng nghề và mở rộng cửa với các doanh nghiệp

Không chỉ dựa vào thế mạnh phát triển nông nghiệp, Hiệp Thuận cũng như mọi làng quê khác tại Việt Nam, đang thay da đổi thịt từng ngày với chính sách kinh tế mở, phát triển tiềm năng làng nghề và trở thành "mảnh đất lành" cho các doanh nghiệp, với nhiều chính sách kinh tế và mở cửa xây dựng làng quê.

Con người Hiệp Thuận vốn cần cù, khéo léo. Đây chính là nguồn vốn để phát triển các mô hình làng nghề thủ công. Thời điểm này, ở Hiệp Thuận khá sôi động bởi sự tất bật, gấp rút hoàn thiện sản phẩm của các hộ làm nghề mộc dân dụng. Trong xã, hầu như cụm dân cư nào cũng có 20-40% số hộ làm nghề mộc. Hiệp Thuận còn phát triển thêm nhiều nghề phụ như: may công nghiệp, xây dựng, cơ khí…

Vài năm trở lại đây, các hộ làm nghề mộc mạnh dạn vay vốn, đầu tư thêm máy móc, thiết bị vừa giúp giảm sức lao động, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số hộ mở xưởng may, cơ khí... nên hầu hết lao động trong độ tuổi đều có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống dần nâng cao. Các xưởng nghề ưu tiên sử dụng lao động của hộ nghèo, bố trí công đoạn phù hợp với người sức yếu, cao tuổi... để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống và dần thoát nghèo...

Xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội): Làng quê yên bình ven sông Đáy - Ảnh 2.

100% nhân công trong xưởng chế tác của Navado là người địa phương.

Bên cạnh đó, Hiệp Thuận với vị trí địa lý và con đường vận chuyển thuận lợi, trở thành "mảnh đất lành" được nhiều doanh nghiệp chọn làm đại bản doanh, phát triển hệ thống nhà xưởng, kho bãi. Bằng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, nguồn nhân lực dồi dào, Hiệp Thuận dần được biết đến như một địa phương thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm đến. Như năm 2012, công ty Navado - Thương hiệu chuyên về sản phẩm gương nghệ thuật đã chọn Hiệp Thuận làm nơi xây dựng xưởng chế tác, kho hàng. Tới nay, 100% nghệ nhân, thợ chế tác của Navado là người địa phương. Làm gương cũng đang được hướng tới trở thành một nghề truyền thống, bổ sung thêm sức mạnh cho nền kinh tế của xã, đồng thời tạo ra nhiều công việc cho người lao động.

Làng quê Hiệp Thuận đang thay da đổi thịt từng ngày, nhưng vẫn giữ trọn vẹn nét nguyên sơ và thuần phác của làng quê Bắc Bộ, với những con người hiền hòa, yêu lao động.

Ánh Dương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên