MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xã hội hóa đầu tư chứng khoán

Xã hội hóa chứng khoán không còn là vấn đề mới ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hiện mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam.

Số lượng tài khoản chứng khoán tính từ năm 2021 đến cuối tháng 6/2022 đã vượt qua con số 5,3 triệu tài khoản, tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với giai đoạn 2015- 2020 cộng lại. Tuy nhiên, số liệu thống kê đang cho thấy, số lượng người Việt Nam tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) đang ở mức độ quá ít so với nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines…

Xã hội hóa đầu tư chứng khoán - Ảnh 1.

Số lượng người Việt Nam tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán còn ít so với nhiều nước trong khu vực. (Mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần)

Còn sơ khai so với thế giới

Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch trên 3 sàn chứng khoán đã có dấu hiệu chững lại– có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự sụt giảm này, như giá hàng hóa nguyên vật liệu trên thế giới tăng nhanh, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao; FED và nhiều ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất, có nguy cơ đẩy mặt bằng lãi suất ở Việt Nam tăng, đồng thời khiến khối ngoại rút ròng vốn khỏi Việt Nam; TTCK thế giới và Việt Nam đang trong trạng thái giảm điểm…

Nhiều người đặt câu hỏi thanh khoản trên TTCK giảm sút liệu có phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đến TTCK chỉ là nhất thời – làn sóng xã hội hóa chứng khoán ở Việt Nam "sớm nở, chóng tàn", hay mới chỉ mới bắt đầu?

Trên thực tế, số lượng các nhà đầu tư mới chỉ mới bắt đầu tăng mạnh từ 2 năm trở lại đây, trong khi TTCK của các nước khác trên thế giới đã đi trước chúng ta hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Tại Mỹ, giai đoạn những năm 40- 50 thế kỷ trước cũng có rất nhiều người không quan tâm hoặc không biết đến TTCK nhưng đến nay, số lượng nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đã chiếm đến hơn 1/4 dân số.

Ngay cả đối với TTCK phái sinh Việt Nam, nhiều người vẫn còn đang chưa hiểu các sản phẩm tài chính, hợp đồng tương lai trên chỉ số như thế nào thì TTCK phái sinh của các nước quanh chúng ta như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã đi vào vận hành từ những năm 80- 90. Số lượng các hợp đồng phái sinh giao dịch giao dịch trong ngày đã lên đến hàng chục triệu hợp đồng, trong khi thanh khoản hợp đồng tương lai hàng ngày của Việt Nam mới chỉ khoảng 300.000- 400.000 hợp đồng/phiên.

Thực tế trên cho thấy, quá trình xã hội hóa giao dịch chứng khoán ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, chúng ta cần thời gian, cần vai trò của các cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và các trường đại học để đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giao dịch chứng khoán.

Xã hội hóa đầu tư chứng khoán - Ảnh 2.

5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số cả năm 2021. Nguồn: VSD

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Chương trình đào tạo về chứng khoán, tư vấn đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Việt Nam phối hợp với Luxembourg tổ chức, hướng đến xây dựng một khung chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư cũng như người hành nghề trên TTCK. Khung chương trình không chỉ đề cập đến đào tạo kiến thức chuyên môn, mà còn tập trung vào những vấn đề như chống rửa tiền, đạo đức nghề nghiệp… Đây là một xu hướng quan trọng cũng như định hướng chuyên môn hóa hoạt động tư vấn đầu tư, môi giới chứng khoán với mục tiêu xa hơn là phục vụ hoạt động xã hội hóa chứng khoán của một TTCK cận biên đang sẵn sàng với tâm thế chuyển sang TTCK mới nổi.

Trong khi đó, nhiều công ty chứng khoán top 5 thị phần môi giới chứng khoán cũng đã và đang định hướng đến phục vụ và chăm sóc, đào tạo những khách hàng hiện tại và tiềm năng tương lai kể cả các khách hàng trẻ, khách hàng có tuổi... Ví dụ, những khách hàng có tuổi có thể là những người đã vững vàng về tài chính, kinh nghiệm sống có thể tiếp cận chứng khoán dễ hơn và gây ảnh hưởng tới những người khác, hay như những khách hàng trẻ cũng là thế hệ nhà đầu tư tương lai có khả năng thích ứng nhanh sử dụng công nghệ, tiếp cận những kiến thức tài chính, công cụ đầu tư từ đơn giản đến phức tạp, như cổ phiếu, trái phiếu cũng như các sản phẩm chứng khoán phái sinh,…

Nhìn chung, ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo, thì cần phải truyền thông mạnh mẽ để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, tham gia giao dịch chứng khoán. Điều đó sẽ giúp các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 được trang bị thêm các kiến thức về quản lý đầu tư, tài chính cá nhân, tích sản cổ phiếu, phòng vệ danh mục cổ phiếu cơ sở bằng công cụ chứng khoán phái sinh, xu hướng sử dụng các công cụ phái sinh, đầu tư chứng chỉ quỹ, ủy thác đầu tư…

Điều quan trọng nhất là vai trò của các công ty chứng khoán, nhất là bộ phận tư vấn đầu tư cần nâng cao hơn nữa vai trò tư vấn, cảnh báo để các nhà đầu tư quản trị tốt rủi ro, sinh lời cao. Có như vậy, thì quá trình xã hội hóa đầu tư chứng khoán mới được đẩy nhanh hơn nữa, góp phần phát triển TTCK trở thành kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế.

Theo TS. Lê Đức Khánh - Chuyên gia chứng khoán

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên