MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Xã hội khá giả toàn diện' Trung Quốc không có chỗ cho lao động nhập cư?

21-06-2020 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Tuần trước, truyền thông Trung Quốc đã đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, trong đó ông nói rằng Trung Quốc “về cơ bản đã đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả toàn diện”. Tuy nhiên, đối với những người lao động Trung Quốc bị mất việc do đại dịch COVID-19, xiaokang shehui giờ đây có vẻ rất xa vời.

Ở Trung Quốc, giới chức nước này từ lâu nêu mục tiêu đưa đất nước sớm đạt được xiao kang she hui – “tiểu khang xã hội”, là xã hội thịnh vượng vừa phải.

Mặc dù không đặt ra chỉ tiêu GDP cho nền kinh tế trong năm nay do các khó khăn do dịch COVID-19 đem đến, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn cam kết mạnh mẽ đạt được xiao kang, vì sao?

Theo Montijn Huisman, nhà nghiên cứu người Hà Lan chuyên về kinh tế chính trị, kinh tế quốc tế và sự phát triển toàn cầu của Trung Quốc, mọi thứ chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh đang chuyển trọng tâm từ tăng trưởng kinh tế mang tính định lượng sang phát triển kinh tế - xã hội.

Lưu Dân Quyền, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nói: “Đạt được mục tiêu xiao kang she hui không chỉ là về các con số thống kê GDP, mà phải cải thiện thực sự đời sống người dân”.

"Tiểu khang xã hội" là khái niệm, mục tiêu mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt ra cho xã hội Trung Quốc. Mục tiêu này cũng luôn được các đời lãnh đạo Trung Quốc sau này coi là ưu tiên trong các mục tiêu chính trị của họ. Nhưng theo chuyên gia, “xiao kang” đang lâm nguy bởi sự xuất hiện của coronavirus mới.

Các mục tiêu chính sách mới được quốc hội công bố thực sự nhấn mạnh đến việc tạo việc làm và giảm nghèo. Cụ thể, họ đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ việc làm ở thành thị là 6% (mức hiện tại), bảo vệ mức sống và đẩy mạnh nỗ lực để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Trong bài phát biểu của mình, thủ tướng Lý liên kết rõ ràng các mục tiêu này với xiao kang.

Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc đã tăng lên 6% trong tháng 4, từ mức 5,9% trong tháng 3. Đã có nhiều tranh luận về tính chính xác của những con số này. Một số nhà phân tích cho rằng thất nghiệp thực sự có thể đã đạt tới 12%. Đo lường chính xác tỷ lệ thất nghiệp luôn khó khăn và phương pháp được sử dụng ở Trung Quốc có hai lỗ hổng quan trọng. Đầu tiên, nó không tính thất nghiệp nông thôn.

Đây là một di sản của hệ thống chiếm hữu đất ở Trung Quốc, theo đó tất cả cư dân nông thôn được giao đất thuộc sở hữu nhà nước. Ngay cả khi những cư dân nông thôn này không làm việc trên những mảnh đất được phân bổ của họ, họ vẫn chính thức là những người nắm giữ đất ở nông thôn và do đó được tính là có việc làm.

Thứ hai, một số lượng lớn cư dân nông thôn đã chuyển đến khu vực thành thị như những người lao động nhập cư. Do hệ thống hộ khẩu ở Trung Quốc, những người di cư di chuyển đến khu vực thành thị để làm việc chính thức vẫn là công dân nông thôn.

Có 290 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc, 170 triệu người là cư dân nông thôn. Mặc dù phương pháp điều tra thất nghiệp hiện nay được cho là bỏ qua yếu tố hộ khẩu, nhưng cuộc khảo sát chắc chắn đánh giá thấp tỷ lệ thất nghiệp của lao động nhập cư ở nông thôn, vì họ thường làm việc trong các công việc khó gọi tên và thay đổi công việc thường xuyên.

Mặc dù mức độ thất nghiệp thực sự của người lao động nhập cư rất khó đo lường, các báo cáo cho thấy số lượng đáng kể đã mất việc làm. Do phương pháp khảo sát thất nghiệp, số người di cư thất nghiệp có thể không được tính trong các số liệu thống kê, điều này gây ra trở ngại trong việc xây dựng các chính sách  hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Những ảnh hưởng của COVID-19 đối với nghèo đói cũng sẽ khó giải quyết như thế. Một lần nữa, đặc biệt đáng lo ngại là hậu quả đối với người di cư nông thôn, có lẽ là nhóm người lao động Trung Quốc dễ bị tổn thương nhất. Theo Lưu, giáo sư Đại học Bắc Kinh, đại dịch đã và sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến mọi người trong nước, nhưng tác động đối với người lao động nhập cư có lẽ là lớn nhất. Nhiều người trong số này hiện đã mất việc vì nhà máy ngừng hoạt động tại hoặc cửa hàng đóng cửa.

Mặc dù trên danh nghĩa những người di cư này nắm giữ đất đai, nhưng điều này khó có thể giúp họ thoát nghèo. Có một sự phân chia thành thị - nông thôn nghiêm trọng ở Trung Quốc. Năm 2019, các hộ gia đình ở khu vực nông thôn có thu nhập khả dụng thấp hơn 40% so với hộ gia đình thành thị.

Hơn nữa, như giáo sư Lưu giải thích, họ không được hưởng bảo trợ xã hội ở mức ngang bằng cư dân địa phương tại các thành phố nơi họ di cư tới. Trong khi ngay cả một số cư dân “gốc” thành phố cũng phải trải qua một thời gian khó khăn, tác động đối với người lao động nhập cư sẽ còn lớn hơn. Có vẻ không thể tránh khỏi một điều rằng, không có sự hỗ trợ của chính phủ, nhiều người trong số những người di cư này và những thành phần phụ thuộc họ sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đặt việc làm là ưu tiên hàng đầu, một số nhà phân tích lập luận rằng chính phủ tập trung ưu tiên quá nhiều vào các khu vực đô thị. Có nhiều lý do tại sao chính phủ nên quan tâm đến cư dân thành thị. Một số lượng kỷ lục sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay và thị trường bất động sản phụ thuộc vào các hộ gia đình thành thị. Quan trọng hơn, mối đe dọa tiềm năng lớn nhất đối với sự ổn định xã hội, trong mắt giới cầm quyền, đến từ tầng lớp trung lưu thành thị.

Một vấn đề khác nữa là làm sao xác định đúng những người có nguy cơ rơi vào nghèo đói thực sự. Trung Quốc có dibao (đê bảo), một khoản tiền hỗ trợ những người sống dưới mức nghèo khổ. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng trong thực tế, chưa đến 15 %  hộ gia đình nông thôn trong diện hỗ trợ thực sự nhận được tiền.

Dù bằng cách nào, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố chiến thắng trong năm nay. Tuần trước, truyền thông nhà nước đã đăng bài phát biểu của ông Tập, trong đó ông nói rằng Trung Quốc “về cơ bản đã đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả toàn diện”. Tuy nhiên, đối với những người lao động Trung Quốc bị mất việc do đại dịch COVID-19, xiaokang shehui giờ đây có vẻ rất xa vời.


Theo Anh Minh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên