MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xã viên Hợp tác xã có thể vay vốn không giới hạn, lãi suất từ 5 – 7%/năm

19-05-2018 - 16:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian vay với sản xuất tối đa là 6 tháng còn vay đầu tư mới thiết bị sẽ dựa vào thời gian khấu hao thiết bị mà linh hoạt theo nhu cầu của bên vay.

Ngày 18/5/2018, trong khuôn khổ Hội thảo xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn cho phát triển Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đã ký kết hợp tác chiến lược ba bên nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dành cho các hợp tác xã thành viên.

Đồng thời, SCB và Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan cũng ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Qua đó, các xã viên tham gia mô hình chuỗi được Liên minh HTX và Viện Nông nghiệp Hữu cơ phối hợp tổ chức sẽ được vay ưu đãi với lãi suất bình quân khoảng 5-7%/năm. Mô hình chuỗi sẽ hỗ trợ người nông dân trong quá trình sản xuất cũng như khâu chế biến và tiêu thụ (bao tiêu đầu ra), điều này sẽ góp phần đảm bảo nguồn trả nợ cho xã viên cũng như giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.

Thống kê từ liên minh HTX cho thấy, hiện chỉ có 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở. Thiếu vốn khiến nhiều hợp tác xã không thể mở rộng sản xuất, mua máy móc thiết bị, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, còn những hợp tác xã muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn. Lý do khiến các hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn vay là do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng.

Đại diện SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc cho biết, lãi suất mà ngân hàng đưa ra là khá cạnh tranh để hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới, SCB cũng sẽ tham gia thành lập quỹ hỗ trợ các xã viên, đây sẽ là vốn đối ứng đồng thời hỗ trợ một phần lãi suất, giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn có chi phí thấp. Ông cũng kỳ vọng mảng tín dụng này trong 2-3 năm tới đây sẽ là mảng kinh doanh quan trọng của SCB.

Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thêm với ông Văn xoay quanh vấn đề về tín dụng hiện nay.

PV:  Ngân hàng ông có đang cho vay hợp tác xã không thưa ông?

Ông Võ Tấn Hoàng Văn: Chúng tôi có cung cấp tín dụng cho một số HTX nhưng chưa có liên quan đến hoạt động nông nghiệp, mà chủ yếu là các hợp tác xã vận tải trong hoạt động đầu tư mới hệ thống xe.

Dư nợ cho các khoản vay này là bao nhiêu thưa ông?

Khoản này còn khá khiêm tốn, dưới 1% tổng dư nợ.

Ông đánh giá thế nào về mức độ rủi ro của các khoản vay với HTX?

Để hình dung về mức độ rủi ro của các khoản cho vay HTX thì cần hình dung về mô hình vận hành của các khoản cho vay này. 

Theo hợp tác với Liên minh HTX và Viện Nông nghiệp Hữu cơ sẽ có mô hình chuỗi, tức là Liên minh HTX sẽ tổ chức một chuỗi, từ lúc tổ chức sản xuất hỗ trợ người nông dân, cho đến khâu chế biến và tiêu thụ. Trong quá trình này, đơn vị bao tiêu đầu ra và hỗ trợ kĩ thuật cho nông dân đóng vai trò rất quan trọng, vì đầu ra là vấn đề quan ngại nhất của ngành nông nghiệp thời gian qua.

Chúng tôi cũng sẽ mời một đơn vị bảo hiểm hàng hóa và giá cả để tham gia quá trình đó. Với cách tổ chức như thế, tôi tin là rủi ro cho ngân hàng sẽ rất là hạn chế.

Các ông đưa ra các tiêu chí nào cho các xã viên khi cung cấp các khoản vay?

Họ bắt buộc phải tham gia chuỗi giá trị này. Vì chỉ khi tham gia chuỗi mới được hỗ trợ về kĩ thuật, công nghệ, phân bón, con giống và đầu ra. Người nông dân chỉ sử dụng đất đai và công sức của họ để tạo ra sản phẩm. 

Giá trị và thời gian của mỗi khoản vay là bao nhiêu?

Đối với các khoản cho vay sản xuất, chu kì tối đa là 6 tháng vì thực tế hiếm có quy trình sản xuất nào quá 6 tháng. Thứ hai là cho vay đầu tư mới thiết bị, khoản này ngân hàng sẽ căn cứ vào thời gian khấu hao thiết bị và tùy theo nhu cầu của người nông dân, chúng tôi sẽ tổ chức thời gian cho vay thích hợp.

Lãi suất cho các khoản vay này ra sao thưa ông?

Chúng tôi đang tính bình quân mức cho vay là khoảng 5-7%/năm. Nếu so với các gói cho vay thông thường thì mức này rất là tốt rồi, chưa kể là nếu các nhà tài trợ hỗ trợ thêm một phần lãi suất nữa thì sẽ còn giảm xuống nữa.

Ông dự báo gì về xu hướng lãi suất từ giờ cho đến hết năm 2018?

Với tình hình nhu cầu tín dụng và chính sách điều tiết lãi suất rất đều tay hiện nay, tôi tin là lãi suất sẽ ở mức ổn định đến cuối năm, thậm chí có thể giảm nhẹ.

Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp BĐS có xu hướng huy động vốn trên sàn chứng khoán thay vì nguồn tín dụng từ ngân hàng, theo ông ngân hàng có bị ảnh hưởng từ xu hướng này?

Chứng khoán phát triển tốt thì thu hút một lượng vốn lớn đổ vào. Theo đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng một chút. Thế nhưng cái nóng của chứng khoán cũng theo cơn chứ không phải lúc nào cũng nóng.

Cái quan trọng nhất là chính sách tiền tệ của nhà nước. Nếu nhà nước vẫn đảm bảo cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế, có nghĩa sự điều tiết vốn tốt thì cũng không ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của ngân hàng. Với nguồn vốn huy động đảm bảo thì đầu ra cũng không có chuyện gì.

Cái thứ hai là xu hướng cho vay BĐS cũng được kiểm soát tốt hơn. Do đó, chuyện huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng nói chung.

Trong nhiều khoản cho vay khá hấp dẫn, vì sao các ông lại quan tâm đến khoản cho vay hợp tác xã và khởi nghiệp?

Hiện nay chúng ta có hơn 6,5 triệu xã viên thuộc các HTX, đặc biệt ở vùng nông thôn. Tiềm năng về nông nghiệp của chúng ta rất là tốt, sản phẩm và chất lượng tốt nhưng chưa tốt ở khâu bảo quản, phân phối và tiêu thụ, đặc biệt là tìm các thị trường bên ngoài Việt Nam. Do đó chúng tôi thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng.

Phân tích về hiệu quả kinh tế thì hiệu quả rau củ quả rất tốt. Do đó chúng tôi tin là nếu có một chính sách đầu tư tốt thì lợi ích thu lại cũng rất tốt.

Tôi khẳng định đây không phải là hoạt động mang tính hỗ trợ giúp đỡ mà đây là cơ hội thương mại rất có hiệu quả. Vấn đề là chúng ta tổ chức tốt để những người tham gia như nông dân, ngân hàng, nhà tài trợ thu được kết quả cao nhất.

Các ông có tính toán sẽ dành bao nhiêu vốn để cho vay HTX?

Điều đó hoàn toàn theo nhu cầu của người nông dân. Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các đầu mối của đơn vị trong chuỗi đó, bao gồm nhà cung cấp hoặc phân phối phân bón, nhà máy chế biến và đơn vị đầu ra. Trên nhu cầu họ xử lý được thì chúng tôi sẽ cung cấp vốn tương ứng.

Hiện ngân hàng chúng tôi có quy mô vốn 400 ngàn tỷ, vì thế với nhu cầu trước mắt thì không có giới hạn nào.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Ngọc Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên