Xăng dầu giá rẻ: Ngồi đó mà chờ sung rụng
Thương hiệu Nhật, độ chính xác cam kết tới 0,01 lít và hình ảnh từ tổng giám đốc cho tới từng nhân viên “cúi gập người chào khách”..., cây xăng Nhật đang mang tới cả sự tò mò và niềm cảm hứng. Nhưng để nói chuyện xăng giá rẻ, để nói đến một thị trường cạnh tranh thì còn rất lâu, lâu đến mức có khi chẳng biết đến bao lâu nữa.
- 10-10-2017Gần 100% xăng dầu nhập khẩu Hàn Quốc: Nỗi lo độc quyền
- 06-10-2017Đại gia ngoại nhảy vào, giá xăng dầu cạnh tranh hơn
- 04-10-2017Đừng nghĩ đến chuyện giảm, ngày mai, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng
Người tiêu dùng Việt sẽ chọn vào cây xăng Nhật, nếu có sự lựa chọn, đó là phản ứng đầu tiên có thể ghi nhận. Báo chí mấy ngày nay tràn ngập những cái “cúi gập người”, những cử chỉ chăm sóc khách hàng chuẩn Nhật, những cam kết về sự trung thực.
Nói không quá lời, người Nhật đã mang đến không chỉ một cây xăng, họ mang tới một khái niệm “phục vụ khách hàng” đúng nghĩa. Thứ xưa nay vẫn bị xem thường trong một cơ chế danh nghĩa thị trường nhưng không có sự cạnh tranh.
Rất có thể, sẽ lại có những cây xăng Nhật tiếp tục mọc lên trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng... Nhưng để mà mơ tới chuyện xăng giá rẻ thì còn lâu lắm.
Bởi trong khi mới có 1 cửa hàng xăng dầu FDI đầu tiên thì Việt Nam hiện có 29 DN đầu mối kinh doanh XNK xăng dầu, 120 thương nhân phân phối và hơn 14.000 cửa hàng trên cả nước. Trong số này, 50% thuộc về “ông lớn” Petrolimex. Petrolimex nói họ không ngán là nói đúng đấy. Đơn giản là người tiêu dùng không thể chạy xuyên thành phố hay từ Hải Phòng lên Hà Nội đổ xăng chỉ để được cúi chào, được hưởng khoảnh khắc làm thượng đế miễn phí.
Huống chi DN dù trong nước hay FDI đều đang phải tuân theo Nghị định 83/2014 với quy định khống chế mức giá trần, với quỹ bình ổn xăng dầu, và với việc giá xăng đôi khi tăng giảm với độ trễ hay tăng với độ nhạy như lạc loài với giá thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Phan Thế Ruệ vừa bị liệng đá khi ông cho rằng: “Nếu các DN FDI nắm giữ, chi phối thị trường xăng dầu, sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, vì vậy Nhà nước phải nắm giữ thị trường. Không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu”.
Đấy là cái tâm lý, cái tư duy quản lý của chúng ta (với quỹ bình ổn là một ví dụ tiêu biểu) và ông Ruệ chỉ đang nói thật mà thôi.
Tháng 11.2012, ĐBQH Đỗ Văn Đương công khai chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tại kỳ họp trước giá xăng dầu giảm rồi sau đó lại tăng vùn vụt. Hôm qua xăng lại giảm 500 đồng/lít, đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là sự linh hoạt trước thềm chất vấn?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khi đó đương chức Bộ trưởng Tài chính, mở ngoặc thêm: Từ đầu năm, xăng 3 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Và cả 3 lần giảm giá đều vào tháng QH họp.
Có lẽ sự “linh hoạt ngẫu nhiên” cũng là điều khiến còn rất lâu nữa mới có đại gia thứ 2 dám “dấn thân” vào thị trường xăng dầu VN chứ nói gì đến một thị trường phi độc quyền.
Lao động