MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng dầu không chịu ngồi yên, kéo CPI tháng 4 tăng nhẹ

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 1,33% so với tháng 12/2015.

Như vậy, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,41% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng là việc điều chỉnh giá xăng cũng như nhóm lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng.

Cụ thể, giá xăng tăng 1.190 đồng một lít, dầu diezen tăng 290 đồng dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%.

Mặc dù giá dịch vụ giao thông công cộng giảm theo chu kỳ sau Tết Nguyên đán nhưng chỉ số giá nhóm giao thông vẫn tăng mạnh là do tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu 2 ngày 21/3/2016 và ngày 5/4/2016 vừa qua. Việc tăng trở lại của nhóm giao thông cũng đánh dấu mức tăng CPI sau 7 tháng giảm liên tiếp.

Nhóm có mức tăng cao thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,71% so với tháng trước. Đáng chú ý nhất là mặt hàng thép tăng mạnh từ 5-8% là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá của nhóm tăng mạnh sau những chính sách về quản lý giá thép cũng như nhu cầu xây dựng tăng lên trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, việc giá gas tăng 10 nghìn đồng/ bình 12 cũng góp phần đánh kể vào mức tăng này. Đồng thời, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại một số tỉnh, đã khiến chỉ số giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng tương đối ở mức 0,45% so với tháng trước.

Đáng chú ý, nhóm hàng lương thực có mức tăng 1,11% do các thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký. Bên cạnh đó, tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng. Tuy nhiên, việc này mới gây tác động về mặt tâm lý nên cân đối cung-cầu không xảy ra hiện tượng chênh lệch lớn.

Tuy nhiên, giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12% trong khi giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,27% so với tháng trước. Sau khi giảm giá liên tục, từ cuối năm ngoái, giá các mặt hàng lương thực đang tiếp tục giữ đà tăng trong 6 tháng gần đây.

Ngoài tác động tích cực từ hoạt động xuất khẩu thì hoạt động tích trữ do tâm lý lo ngại của người dân cũng như doanh nghiệp trước tình tình khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gần đây đã góp phần đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2016 tiếp tục tăng thấp hơn mức tăng của CPI chung khi ghi nhận ở mức tăng 0,19% so với tháng trước.

M.Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên