MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng dầu Malaysia khó xuất khẩu rẻ vì chính sách trợ giá chỉ dành riêng cho người bản địa

Xăng dầu Malaysia khó xuất khẩu rẻ vì chính sách trợ giá chỉ dành riêng cho người bản địa

Người Malaysia chỉ cần bỏ 13.000 đồng (0,5 USD) mua 1 lít xăng.Tuy nhiên, đây là chính sách trợ giá dành riêng cho người bản địa nên khó có thể xuất khẩu giá rẻ

Cơ chế hỗ trợ giá xăng dầu của Malaysia

Giá xăng dầu của Malaysia thuộc mức thấp nhất thế giới, nhờ chính sách trợ giá nhiên liệu. Chính phủ Malaysia trợ giá xăng RON95 và dầu diesel, trong khi xăng RON97 không được trợ giá. Trợ cấp nhiên liệu ở Malaysia là trợ cấp bất kể đối tượng, có nghĩa là cả người giàu và người nghèo. Để giữ giá xăng dầu tại đây ổn định bất kể tình hình giá xăng dầu thế giới, Malaysia phải tốn thêm tiền trợ cấp mỗi khi giá xăng dầu tăng – số tiền vốn có thể được đưa vào các dự án kinh tế khác.

Theo một báo cáo nghiên cứu của CGS – CIMB và The Star, ước tính, giá dầu tăng 1 USD/thùng (tương đương 4,18 RM) thì chính phủ Malaysia sẽ phải chi ra thêm 80 triệu RM (18 triệu USD) tiền trợ cấp nhiên liệu để giữ giá xăng RON95 lần lượt là 2,05 RM (0,47 USD) và 2,15 RM/lít (0,49 USD).

Quy định kể trên bắt đầu được thực thi từ tháng 8/2010, dựa trên chính sách của chính phủ chỉ cung cấp các khoản trợ cấp cho người dân bản địa, đặc biệt là những người thuộc các nhóm thu nhập thấp và trung bình.

Theo đó, Malaysia chỉ bán xăng RON97 cho các xe đăng ký tại nước ngoài và xăng RON95 được trợ giá cho xe đăng ký tại Malaysia để tránh thất thoát các khoản trợ cấp cho người dân bản địa.

Theo luật pháp Malaysia, các cá nhân có thể bị phạt 1 triệu ringgit (240.000 USD) hoặc 3 năm tù hoặc cả hai mức phạt trên nếu vi phạm lệnh cấm, trong khi các công ty, thực thể có thể bị phạt tối đa 2 triệu ringgit (480.000 USD).

Gánh nặng kinh tế

Hồi tháng 3, khi giá dầu thô thế giới tăng phi mã do ảnh hưởng của cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine, tiền trợ cấp xăng dầu của Malaysia có thể tăng gấp đôi lên 28 tỷ RM (tương đương 6,7 tỷ USD) trong năm nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này – ông Tengku Zafrul Aziz, trong tháng 1, chính phủ đã tăng cường trợ cấp, chi 2 tỷ ringgit để hỗ trợ giá xăng, dầu diesel và khí hoá lỏng. Con số này tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, Malaysia đã chi 11 tỷ RM (2,51 tỷ USD) để trợ cấp giá xăng dầu. Sang năm 2022, dự tính mỗi tháng, chính phủ Malaysia sẽ phải bỏ thêm 2,5 tỷ RM (570 triệu USD) để giữ giá nhiên liệu ổn định do nguồn cung xăng dầu bị thắt chặt. Trên thực tế, Malaysia là một quốc gia có tài nguyên dầu mỏ nhưng chỉ có thể xuất khẩu dầu thô vì chưa có khả năng tinh chế xăng dầu. Điều này dẫn đến xăng tiêu thụ trong nước cũng là xăng nhập khẩu. Như vậy, giá xăng dầu thế giới càng tăng thì chính phủ Malaysia càng phải bỏ nhiều tiền.

Đầu năm 2020, Malaysia đã xem xét lại cơ chế trợ cấp của mình để đảm bảo tiền trợ cấp sẽ tiếp cận được các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Ông Tengku Zafrul Aziz lý giải, nhiều mặt hàng khác như dầu ăn có thể sẽ tăng giá và cần trợ cấp. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị gác lại vì dịch Covid-19.

"Chính phủ không thể vay tiền để đi trợ cấp. Vì vậy, tiền trợ cấp phải được bù đắp bằng các doanh thu tăng thêm" – ông cho biết thêm.

Theo Thu Thủy

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên