Xây dựng cơ sở dữ liệu và mã vạch ADN cho cây mơ Hương Tích
Ngày 5/7/2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Học viện đề tài khoa học công nghệ trọng điểm cấp Học viện: "Xây dựng cơ sở dữ liệu và mã vạch ADN cho cây mơ Hương Tích tại Mỹ Đức, Hà Nội", mã số: T2021-01- 03 TĐ do TS. Lê Thị Tuyết Châm – Khoa Nông học chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu gồm có GS. TS. Vũ Văn Liết – chủ tịch HĐ, cùng các thành viên trong Hội đồng gồm: TS. Nguyễn Văn Dũng (Viện Nghiên cứu Rau quả) - Phản biện 1, PGS.TS. Nguyễn Đức Bách - Phản biện 2, TS. Đoàn Văn Lư (Chuyên gia độc lập) - Uỷ viên; PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn - Thư ký HĐ với sự có mặt của PGS.TS. Trần Hiệp – Phó trưởng ban phụ trách ban KH&CN cùng các thành viên tham gia đề tài.
Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện đề tài, Hội đồng đã đưa ra những nhận xét về ý nghĩa khoa học cũng như khả năng ứng dụng của đề tài. Mơ Hương Tích là cây đặc sản của vùng chùa Hương, là vùng du lịch thuận lợi cho kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái nhưng cây mơ vẫn chưa được khai thác phát triển hiệu quả. Vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá hiện trạng và định danh cây mơ Hương Tích về mặt hình thái cũng như ở mức độ phân tử so với một số giống mơ khác tại miền Bắc, dẫn đến việc lẫn giống và làm giảm sút thương hiệu mơ chùa Hương. Hiện nay, mã vạch ADN sử dụng là một công cụ nghiên cứu đa dạng sinh học, giúp xác định các loài mới, đặc biệt là các loài chưa định danh dựa trên hình thái (Hebert & cs., 2004). Tại Việt Nam, mã vạch ADN đã được sử dụng trong việc định danh các cây lâm nghiệp nhưng rất hiếm trên cây ăn quả. Đặc biệt, với giống mơ ta (Prunus mume L.) thì chưa được đánh giá một cách hệ thống về các đặc điểm nông sinh học, năng suất cũng như đa dạng di truyền hay những phân tích sâu hơn ở mức độ phân tử, mã vạch ADN (ADN barcoding). Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và mã vạch ADN cho cây mơ Hương Tích tại Mỹ Đức, Hà Nội rất có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn giúp bảo tồn, khai thác, phân loại, xác định nguồn gốc và chủ quyền nguồn gen đặc sản quý, góp phần vào sự phát triển bền vững sản phẩm vùng.
Từ năm 2021-2023, nhóm đề tài đã tiến hành điều tra hiện trạng và thu thập thông tin về nguồn gen mơ Hương Tích; Đánh giá điều kiện tự nhiên, cơ cấu giống, biện pháp canh tác, thương mại, phân tích SWOT trong việc phát triển giống mơ này. Kết quả đã thu thập được hơn 80 mẫu giống mơ tại các tỉnh phía Bắc, đánh giá được đặc đặc nông sinh học, phân loại được 5 mẫu giống mơ chính có tên gọi là mơ Ta, mơ Má đào, mơ Song Mai, mơ Yên Bái và mơ Bồ Hóng. Qua việc đánh giá đa dạng di truyền của các mẫu giống mơ thu thập với 19 cặp mồi SSR: Dựa vào hệ số tương đồng chia thành 6 nhóm; dựa vào phân tích cấu trúc quần thể chia thành hai quần thể: Quần thể 1 gồm 12 mẫu giống thu thập tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Quần thể 2 gồm 18 mẫu giống thu thập tại Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Phát hiện 29 mẫu giống có đặc điểm di truyền tương đối đồng nhất (hệ số thành viên Q > 0,9), 01 mẫu là phức hợp di truyền có kiểu gen trộn lẫn. Nhóm cũng đã thiết lập được mã vạch ADN đặc trưng nhận dạng 5 giống dựa trên trình tự ITS1 của vùng gen nhân và trình tự ycf1 của ADN lục lạp. Kết quả này được khai thác và ứng dụng trong công tác giám định, định danh, quản lý và phát triển nguồn gen cây mơ như:
- Đánh giá đặc điểm hình thái và kết quả giám định mã vạch ADN đã phân loại một số giống mơ trồng tại phía Bắc Việt Nam thuộc loài Prunus mume (theo tên quốc tế là Japanese apricot: mơ Nhật Bản) và loài Prunus salicina (theo tên quốc tế Japanese plum: mận Nhật Bản).
- Kết quả phân tích chủng loại phát sinh, ycf1 được sử dụng làm mã vạch ADN để phân biệt giữa hai loài có quan hệ họ hàng gần là Prunus mume và Prunus salicina.
Đề tài đã góp phần đào tạo 2 sinh viên ngành Khoa học cây trồng, nâng cao trình độ năng lực nghiên cứu ứng dụng cho các giảng viên trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học và đăng một bài báo quốc tế. Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đề tài tiếp tục phát triển kết quả và đã đấu thầu thành công đề tài cấp Thành phố Hà Nội: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây mơ (Prunus sp.) Hương Tích gắn liền với du lịch sinh thái được thực hiện từ năm 2023-2026.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài nghiệm thu đạt loại Tốt, đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra, có tính cấp thiết, tính mới và khả năng ứng dụng thực tiễn. Quy trình sử dụng mã vạch ADN đối với cây mơ Hương Tích có thể được chuyển giao cho các viện/trường/trung tâm nghiên cứu về nguồn gen cây mơ; các cơ sở giám định các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đặc điểm hình thái của các mẫu giống mơ tại Mỹ Đức, Hà Nội
Cấu trúc di truyền quần thể mơ được đánh giá dựa trên chỉ thị SSR
Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Học viện
Tổ Quốc