Xây dựng Hòa Bình đang kinh doanh thế nào trước khi ông Lê Viết Hải bị ông Nguyễn Công Phú chỉ trích "điều hành yếu kém"?
Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú
Trong 3 năm gần đây, doanh thu của Hòa Bình sụt giảm so với trước và lợi nhuận cũng ở mức thấp. Tuy nhiên, 3 năm qua nhiều doanh nghiệp cũng lao đao, do nhiều yếu tố như Covid-19, lãi suất cao, tín dụng bị siết chặt, thị trường trái phiếu khó khăn...
- 03-01-2023Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có 2 chủ tịch?
- 01-01-2023Xây dựng Hòa Bình (HBC) hoãn thi hành Nghị quyết, ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT
- 23-12-2022“Mùa đông” của các ông lớn xây dựng: Hòa Bình giảm lương và giờ làm, Coteccons lỗ hơn trăm tỷ đồng?
- 15-12-2022Tân Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình (HBC): 25 năm làm lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn quốc tế chuyên quản lý rủi ro, tham gia làm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Hầm Đèo Cả...
Ngày 1/1/2023 vừa qua, trong thông cáo báo chí phát đi từ Pháp, nhóm 4 người gồm ông Nguyễn Công Phú, Lê Quốc Duy, Dương Văn Hùng và Albert Antoine, trong đó ông Phú là đại diện đã tố cáo ông Lê Viết Hải đưa ra nghị quyết Hội đồng quản trị không đúng điều lệ tập đoàn.
Qua đó, phía ông Phú khẳng định ông Nguyễn Công Phú vẫn là Chủ tịch tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1/2023, chứ không phải ông Lê Viết Hải.
Đáng chú ý, phía ông Phú còn chỉ trích ông Lê Viết Hải "điều hành yếu kém", khiến Xây dựng Hòa Bình đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính.
Vậy, Xây dựng Hòa Bình thời gian qua kinh doanh thế nào?
Về doanh thu, số liệu từ Hòa Bình cho thấy doanh thu hồi năm 2015 chỉ hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng đã liên tục tăng trưởng và đến trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã đạt khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi quý.
Kể từ đầu năm 2020, doanh thu giảm mạnh xuống mức 2.000-3.000 tỷ đồng mỗi quý nhưng đang trên đà hồi phục lên 3.000-4.000 tỷ đồng mỗi quý thời gian gần đây.
Về lợi nhuận, lãi sau thuế của Hòa Bình giảm mạnh từ đầu năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19. Trong 11 quý gần nhất, có 8 quý lợi nhuận của Hòa Bình dưới 20 tỷ đồng. Trong 3 quý còn lại, lợi nhuận Hòa Bình cao hơn, đạt khoảng 50 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bằng 1/3, 1/4 so với giai đoạn 2017-2019.
Về bức tranh tài chính, tổng tài sản của Hòa Bình đã tăng gấp 3 lần trong 7 năm qua, từ khoảng 6.000 tỷ đồng lên gần 19.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn.
Tương ứng với mức tăng của tài sản, vay nợ của Hòa Bình cũng tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong 1 năm qua, tổng vay nợ đã tăng gấp rưỡi, từ 4.361 tỷ đồng hồi quý 3/2021 lên 6.566 tỷ đồng cuối quý 3/2022. Do đó, chi phí lãi vay của Hòa Bình 2 quý gần đây đã lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ đồng/quý.
Vay nợ của Hòa Bình tăng cao trong bối cảnh năm 2022 ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn khi tín dụng bị siết chặt, lãi suất tăng cao, thị trường trái phiếu gặp áp lực lớn.
Hồi cuối tháng 11/2022, ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải đã gửi thông báo tới toàn thể cán bộ nhân viên, cho biết sẽ giảm chi phí đồng bộ theo lộ trình, mà đầu tiên là tiết giảm chi phí nhân sự.
Theo đó, từ ngày 1/12 đến ít nhất hết quý I/2023, toàn công ty tạm ngừng áp dụng một số chế độ phúc lợi, khen thưởng, ngoại trừ phụ cấp tiền cơm trưa và bảo hiểm sức khỏe. Các nhân sự tùy cấp bậc, phòng ban cũng giảm 15-35% tỷ lệ hiệu suất công việc và các khoản phụ cấp theo lương.
Riêng khối văn phòng được yêu cầu giảm tối thiểu 15% tổng tỷ lệ hiệu suất công việc và phụ cấp, mỗi phòng ban quyết định giảm tỷ lệ này trên từng người hoặc sàng lọc nhân sự, hoặc áp dụng cả 2 hình thức.
Còn trên công trường của các dự án đang ngưng thi công, hết việc, hết định biên nhân sự, những nhân sự trọng yếu, chủ chốt có năng lực, thái độ vượt trội được ưu tiên giữ lại, điều động, bố trí kịp thời sang các công trường, phòng ban có nhu cầu.
Những nhân sự có năng lực, thái độ tốt nhưng chưa thể sắp xếp công việc hiện tại sẽ được thỏa thuận ngừng việc trong thời hạn tối đa 3 tháng, đồng thời được tham gia đào tạo kiến thức chuyên môn, tiếng Anh... Với số nhân viên còn lại, nhà thầu lớn này sẽ chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo thông cáo từ phía ông Nguyễn Công Phú, việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – " khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai ".
Trong khi đó, ông Lê Viết Hải cho rằng: " Những phát ngôn hay trình bày của bất kỳ các cá nhân nào khác, dưới bất kỳ hình thức nào đều là không chính thống và không thể hiện ý chí của công ty, không hướng đến việc bảo vệ lợi ích chung của công ty và cổ đông.
Những cá nhân nói trên, chủ yếu là những người không phải là cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của tôi mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty, và không loại trừ có động cơ tiếp tay cho các thế lực tài lực muốn thâu tóm công ty.
Những hành vi ấy đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty cũng như gây thiệt hại trực tiếp đến lợi ích của tất cả cổ đông của công ty, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại."
Theo quan sát, sau khi "nội chiến" tại Xây dựng Hòa Bình nổ ra, giá cổ phiếu HBC trên sàn chứng khoán hôm nay vẫn tăng 2,6%, lên 9.450 đồng/cổ phiếu dù đầu phiên sáng có lúc giảm sàn. Đáng chú ý, HBC giao dịch đột biến gần 7,2 triệu đơn vị, cao gấp nhiều lần trung bình thời gian gần đây.
Nhịp sống thị trường