MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng thương hiệu cá nhân mà "sai một ly" thì "đi một dặm": Đừng cố tỏ ra là người khác, hãy sống thật với chính bản thân

07-07-2020 - 19:46 PM | Sống

Xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình rèn luyện để sống đúng, sống thật với chính bản thân mình.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia…

Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: "Quảy gánh băng đồng ra thế giới", "Nhượng quyền khởi nghiệp", và "Con đường ngắn để bước ra thế giới".

Bằng những trải nghiệm đã "kinh qua" trong công việc, nữ chuyên gia đã chỉ ra những sai lầm trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Nữ chuyên gia nhận định:

"Ai trong chúng ta cũng có một thương hiệu cá nhân. Đó chính là hình ảnh, là uy tín, là giá trị, là điều mà chúng ta đại diện trong cuộc sống này. Và mọi người xung quanh kết nối với chúng ta qua thương hiệu cá nhân đó. Không phải người nổi tiếng mới có thương hiệu cá nhân. Ai trong chúng ta cũng đều cần xây dựng cho mình thương hiệu cá nhân, cần thể hiện với thế giới bên ngoài giá trị cốt lõi của bản thân mình."

Xây dựng thương hiệu cá nhân mà sai một ly thì đi một dặm: Đừng cố tỏ ra là người khác, hãy sống thật với chính bản thân - Ảnh 1.

Ví dụ là học sinh cấp 3, bạn cần thương hiệu cá nhân để được chọn vào những trường đại học danh tiếng, là sinh viên bạn cần thương hiệu cá nhân để được nhận vào thực tập tại một công ty hoặc xin được một công việc làm bán thời gian, là người đi làm bạn cần thương hiệu cá nhân để thăng tiến. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng thương hiệu cá nhân, chuyên gia Nguyễn Phi Vân nhắc nhở mọi người nên lưu ý tránh những sai lầm sau đây:

1. Xây dựng hình ảnh giả tạo, không phải là chính mình: Thường thì con người có thói quen 'show' ra bên ngoài những gì tốt nhất về bản thân. Cái gì về mình cũng hay, việc gì mình làm cũng đầy ý nghĩa, cho dù điều đó đôi khi là phóng đại hay có khi là không đúng sự thật. Điều này dễ dàng gây sự chú ý, giúp ta kết nối nhanh và dễ dàng hơn với thế giới bên ngoài. Có điều, làm quá thì đến một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra mình chẳng phải là mình. Con người hết sức hay ho nhưng vô cùng xa lạ ấy một khi bị đưa ra ánh sáng, trong một giây sẽ trở thành kẻ bị hiểu là lừa đảo, giả dối, mặc dù vẫn có những sự thật đúng đắng đằng sau câu chuyện của bạn. Đừng bao giờ cố tỏ ra mình là người khác. Chìa khoá của việc xây dựng thương hiệu cá nhân đơn giản hãy là chính mình.

2. Không hỏi mình câu hỏi khó ngay từ lúc ban đầu: Kết nối với thế giới là chuyện hết sức dễ dàng trong thế giới phẳng ngày nay. Bạn nghĩ đi, Facebook của bạn đã có bao nhiêu kết nối mà bạn thậm chí còn chưa bao giờ gặp mặt? Để gửi một thông điệp, kể một câu chuyện cho thế giới thật ra là điều chẳng khó chút nào. Nhưng kể câu chuyện gì? Gửi thông điệp gì để điều đó đại diện cho bạn, cho giá trị của bạn, cho đức tin của bạn? Nếu bạn thật ra còn chưa hiểu mình là ai, mình đại diện cho điều gì, mình đang trôi nổi hay đã có một mục đích sống vô cùng vững chắc, vậy ta gởi gì ra cho thế giới? Người không hỏi mình câu hỏi khó ta là ai, ta đại diện cho điều gì, người không sở hữu bất kỳ giá trị cốt lõi nào sẽ chỉ tạo ra cho mình một manh áo đẹp, một cái vỏ bọc lụa là khi xây dựng thương hiệu cá nhân. Thương hiệu đó trở thành gánh nặng trên vai họ vì họ phải diễn kịch hàng ngày, hàng giờ, cho đến khi xung quanh họ chẳng còn ai, cho đến khi họ gục ngã vì vai diễn đã trở nên quá sức.

Xây dựng thương hiệu cá nhân mà sai một ly thì đi một dặm: Đừng cố tỏ ra là người khác, hãy sống thật với chính bản thân - Ảnh 2.

3. Quên không hỏi ý kiến người khác trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân: Không cần biết bạn muốn xây thế nào, quan trọng là người xung quanh cảm nhận bạn thế nào. Muốn thế, bạn cần phải hỏi bạn bè, hỏi người thân, người quen quanh mình xem họ cảm nhận thế nào về chính bản thân mình. Trong xây dựng thương hiệu, bạn nghĩ gì không quan trọng. Người khác nghĩ gì và cảm nhận về bạn mới thật sự là quan trọng. Và hãy luôn nhớ rằng rất khó để tự mình nhìn thấy được chính mình. Do đó, đôi khi bạn cũng cần phản hồi của người xung quanh. Tốt nhất là bạn nên có những người trong cuộc đời có thể nói với bạn sự thật, dù sự thật có đắng như thuốc bắc. Nhờ những lời nói thật, những ý kiến đóng góp chân thành mà ta có cơ hội điều chỉnh lại chính mình.

4. Không tự mình sáng tác nội dung: Kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui. Có một người gọi hỏi nhà xuất bản là viết thuê quyển sách của chị Phi Vân thu bao nhiêu tiền. À thì ra có nghề viết sách thuê như thế. Nếu nội dung và thông điệp của bạn mà lại do người khác viết, người khác làm sao chuyển tải cho hết giá trị cốt lõi của chính con người bạn? Viết status hay viết blog cũng vậy, không nên sao y bản chính mà lại không dẫn nguồn nội dung của người khác. Nên phát triển thêm và có chính kiến, hay liên hệ trải nghiệm thực tế của bản thân.

5. Đánh giá thấp thời gian cần thiết để xây dựng thương hiệu cá nhân: Đã gọi là thương hiệu thì phải cần thời gian để xây dựng. Không có chuyện qua một đêm trở thành người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng vô biên. Nếu có, đó không phải là thương hiệu. Thương hiệu là sự lặp đi lặp lại một cách kiên định những thông điệp và giá trị mà mình đã đặt ra, là sự phấn đấu kiên cường để bảo vệ những điều tốt đẹp mà mình đang đại diện.  không phải là một công việc, không có ngày nghỉ phép, không có thủ thuật mỳ ăn liền. Nó là quá trình rèn luyện để sống đúng, sống thật với chính bản thân mình."

Theo V.D

Trí thức trẻ

Trở lên trên