MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng Vinfast thành thương hiệu quốc gia: 'Đừng chỉ hô hào'

04-09-2023 - 10:31 AM | Doanh nghiệp

TP - Chia sẻ với Tiền Phong, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc Vinfast vươn ra thế giới giờ đây không chỉ còn là câu chuyện riêng của doanh nghiệp (DN) mà đây còn là tài sản quốc gia, thương hiệu quốc gia. Muốn có thương hiệu quốc gia đẳng cấp thì “đừng chỉ hô hào”…

Để xây dựng Vinfast trở thành thương hiệu quốc gia, cần sự đồng lòng, chia sẻ của cộng đồng

Bước tiến truyền cảm hứng

Thưa ông, vừa qua Vinfast đã trở thành DN Việt đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?

Vingroup là DN tư nhân lớn nhất Việt Nam và dự án xe điện Vinfast cũng là dự án DN đã dồn hết tài sản, vốn liếng vào đây để thực hiện. Nói vậy để thấy câu chuyện của Vinfast giờ đây không chỉ là riêng của DN nữa, mà còn là tài sản quốc gia và thương hiệu quốc gia nên chúng ta cần có góc nhìn toàn diện để có thái độ đúng đắn hơn.

Trước hết, tôi cảm thấy rất tích cực và tự hào. Sự kiện này cũng đánh dấu bước tiến mới của Vinfast trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình, tiên phong trong những sản phẩm công nghệ cao, xanh, phù hợp với xu hướng của thời đại. Việc được thừa nhận thông qua thị trường chứng khoán là bước khởi đầu, tạo thế và lực để Vinfast hiện diện trên thị trường thế giới vững vàng hơn. Sự kiện cũng đánh dấu một kết quả thực tế của ô tô điện Việt Nam, không còn chỉ là “giấc mơ” hay kế hoạch trên giấy như nhiều người vẫn nói, mà thực sự có ý nghĩa tạo động lực, giá trị thúc đẩy và tính lan tỏa lớn tới cộng đồng DN. Đây cũng là chỉ báo cho thấy DN Việt Nam đủ năng lực đi ra thế giới, cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất và có khả năng hội nhập với xu hướng của thế giới.

Sự kiện niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đánh dấu một kết quả thực tế của ô tô điện Việt Nam, không còn chỉ là “giấc mơ” hay kế hoạch trên giấy như nhiều người vẫn nói, mà thực sự có ý nghĩa tạo động lực, giá trị thúc đẩy và tính lan tỏa lớn tới cộng đồng DN.

Bước ra sân chơi quốc tế, Vinfast phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các thương hiệu lớn, tầm cỡ thế giới. Ông nghĩ sao về cơ hội của thương hiệu ô tô chưa đầy 5 năm tuổi của Việt Nam?

Tương lai của thế giới nằm ở xe điện. Trong tương lai ấy, không phải cứ người đi trước sẽ chiếm hết phần bởi khả năng biến đổi công nghệ và thị trường là vô tận.

Vinfast có thể chậm hơn một nhịp so với một vài đối thủ nhưng cách tiếp cận của Vinfast thời gian qua đã thể hiện DN không phải “đi theo” mà là nhảy vọt và tiến vượt. Ô tô Vinfast có lợi thế bởi đó là kết tinh công nghệ ở đẳng cấp cao, không thua kém gì những hãng nước ngoài.

Việc phát triển Vinfast thành công sẽ giúp hình thành chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ

Có thể nói những thách thức về vốn, nhân sự, thị trường, công nghệ… bây giờ mới thực sự bắt đầu với Vinfast. Nhưng tôi cũng đặt câu hỏi thách thức của Vinfast có phải cũng là thách thức của Việt Nam? Bởi đây là sản phẩm Việt hòa nhập vào xu hướng chung của thế giới, khi phát triển thành công những lợi ích mà Việt Nam thu được không nhỏ.

Theo tôi Nhà nước cũng cần có cuộc thảo luận ở tầm quốc gia xem cần làm gì để cùng Vinfast vượt qua những thách thức này. Nhưng tôi tin Vinfast có thể trụ vững bởi DN có tầm nhìn, có khả năng huy động nguồn lực và có bộ máy khôn ngoan khi hội tụ được anh tài của thế giới.

Vinfast ra mắt ô tô điện và niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ là bước khởi đầu đáng tự hào của ngành ô tô Việt

Việc hỗ trợ cần thực hiện ra sao để vừa hiệu quả, vừa tránh nói rằng thiên vị cho một, vài DN. Đặc biệt, xây dựng được nền công nghiệp ô tô vững chắc như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…từng làm?

Hiện nay, ô tô điện là một hướng ưu tiên chiến lược mang tính thời đại của toàn cầu. Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ Vinfast vay ưu đãi 1,2 tỷ USD, và khách hàng mua xe Vinfast được hưởng mức hoàn thuế lên tới 7.500 USD/xe. Đây là cách Mỹ thể hiện môi trường đầu tư hấp dẫn, và giúp người dân Mỹ tiếp cận được những sản phẩm xanh, chất lượng cao.

Vinfast là DN Việt và đang nỗ lực khẳng định năng lực và vị thế Việt Nam. Không có lý gì chúng ta lại không quan tâm, ủng hộ? Theo tôi Nhà nước và Chính phủ phải đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, đồng thời thay đổi cách tiếp cận.

Thay vì hỗ trợ cả nghìn DN làm công nghiệp hỗ trợ khi nguồn lực có hạn, chúng ta có thể hỗ trợ cho những DN đầu tàu để họ có điều kiện phát triển. Khi thành công sẽ có hàng trăm, hàng ngàn DN làm công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ theo sau và hình thành chuỗi giá trị.

Đổi lại, những DN đầu tàu phải có cam kết hỗ trợ một cách công khai, minh bạch các DN trong chuỗi… với ràng buộc và chế tài nghiêm khắc. Nguyên tắc này cho đến nay tuy đã được đặt ra nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Cần sự đồng lòng, sẻ chia

Hiện, người tiêu dùng trong nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về Vinfast, nhất là việc chưa tin tưởng thương hiệu ô tô Việt khi so với các dòng xe ngoại. Ông nghĩ sao về điều này?

Một DN, đặc biệt là trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt như ô tô, phải đối mặt với rất nhiều thách thức, vấp ngã, sai sót là bình thường và khó tránh khỏi. Nhưng điều chúng ta cần là thái độ đúng mực và sự chia sẻ.

Vingroup là DN tư nhân lớn nhất Việt Nam và dự án xe điện Vinfast cũng là dự án DN đã dồn hết tài sản, vốn liếng vào đây để thực hiện. Nói vậy để thấy câu chuyện của Vinfast giờ đây không chỉ là của riêng DN nữa, mà còn là tài sản quốc gia và thương hiệu quốc gia nên chúng ta cần có góc nhìn toàn diện để có thái độ đúng đắn hơn.

Mỗi người đều có quyền phê bình và nêu ý kiến về các sai sót, khiếm khuyết của DN nhưng phải trên tinh thần góp ý và chia sẻ chứ không phải là xỉ vả, nói cho sướng miệng, thiếu trách nhiệm khiến DN dễ thui chột và triệt tiêu khát vọng, động lực.

Ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc, thuở sơ khai phát triển ngành công nghiệp ô tô, dù chất lượng ô tô nội lúc đó chưa hẳn đã ngang bằng và đừng nói là tốt hơn so với thương hiệu ngoại. Nhưng sự chung tay, đồng hành của cả dân tộc với các thương hiệu non trẻ trong nước đã trở thành động lực mạnh mẽ đưa công nghiệp ô tô của các nước này từng bước vươn lên tầm thế giới.

Với Vinfast đây là thương hiệu mang lại sự tự hào của quốc gia nên chúng ta cần ứng xử tương tự như thế. Chỉ khi nhận được sự đồng lòng, chúng ta mới phát triển và bảo vệ được thương hiệu quốc gia vượt tầm biên giới. Muốn có thương hiệu quốc gia đẳng cấp thì đừng chỉ hô hào. Với tư cách là người Việt, tôi cho rằng đây là lúc chúng ta cần bồi đắp, có hành động cụ thể trong khả năng để lòng tự hào Việt Nam thực sự vững chắc hơn, tạo động lực và tiếp sức cho DN vượt qua thách thức phía trước.

Để mỗi người dân đồng lòng và ủng hộ, DN cũng cần phải cho thấy sự phát triển mang lại những giá trị và lợi ích chung cho đất nước?

Đúng vậy. Bản thân Vinfast cũng phải hành động quyết liệt và chứng minh bằng kết quả và thành công thực sự. Vinfast cũng phải nỗ lực để người Việt Nam thấy rằng đường hướng phát triển vì lợi ích dân tộc, đất nước chứ không phải lợi ích riêng của một cá nhân nào.

Những vấn đề còn thiếu sót, chưa làm được, Vinfast cũng cần chia sẻ sòng phẳng, tránh tình trạng u u minh minh. Còn Nhà nước và Chính phủ cũng cần có quan điểm rõ nếu có ủng hộ Vinfast ủng hộ như thế nào, vì cái gì và có thái độ rõ ràng trong việc bảo vệ, phát triển thương hiệu quốc gia.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên