MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây nhà toàn kính: Coi chừng lợi bất cập hại

31-10-2019 - 09:34 AM | Bất động sản

Việc lạm dụng kính trong xây dựng có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho sức khỏe, gây lãng phí về năng lượng.

Hiện nay không chỉ trong xây dựng nhà ở đơn lẻ mà nhiều tòa nhà, chung cư lớn đều sử dụng kính trong xây dựng, thiết kế... như là “mốt”, thể hiện sự sang trọng hiện đại . Tuy nhiên, việc lạm dụng kính trong xây dựng có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho sức khỏe, gây lãng phí về năng lượng, ảnh hưởng đến an toàn của công trình và cư dân sinh sống, làm việc ở đó.

Kính công trình muôn màu muôn vẻ

Ông Phan Thiên Hưng, kỹ sư xây dựng của một chủ đầu tư dự án chung cư tại TP.HCM, cho biết hiện nay kính được sử dụng rất nhiều trong xây dựng các tòa nhà. Các dự án chung cư thường thiết kế mặt ngoài bao phủ 30%-80%, thậm chí có cao ốc là 100% bằng vật liệu kính.

Hiện có hai loại kính được sử dụng phổ biến trong xây dựng là kính cường lực (khi vỡ sẽ vỡ cả tấm thành các hạt) và kính dán an toàn (hai lớp kính cường lực dán với nhau bởi chất liệu màng phim, khi vỡ sẽ rạn nhưng không rơi). Kính thường được sử dụng trong căn hộ để trang trí phòng khách, cửa sổ, làm vách kính ngăn, vách kính cầu thang… Các tòa nhà văn phòng cao tầng còn sử dụng kính để làm vách ngăn, tường chịu lực, mảng trang trí lộ thiên...

Giá kính và chi phí thi công kính cao hơn nhiều so với xây tường gạch bình thường. Bù lại, thời gian thi công rất nhanh, tạo hiệu ứng nới rộng không gian rất tốt nên được ưa chuộng.

Theo khảo sát của chúng tôi, trên thị trường kính xây dựng chất lượng và giá cả rất phong phú, có thể nói là thượng vàng hạ cám, đắt rẻ tới đâu cũng có. Từ hàng châu Âu đến hàng Việt Nam, Trung Quốc… vô cùng đa dạng về mẫu mã. Chính vì vậy, chủ nhà muốn sử dụng vật liệu này sẽ gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn. Riêng với các tòa nhà, dự án có đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư thẩm định nên chất lượng kính và tiêu chuẩn thi công lắp đặt cũng được giám sát chặt chẽ hơn.

Đối với kính cường lực tùy theo độ dày (5, 8, 10, 12, 15 hoặc 19 mm) và nguồn gốc xuất xứ sẽ có giá chênh lệch khá lớn, từ 500.000 đồng/m2 đến 2,5 triệu đồng/m2. Hàng của Trung Quốc vẫn có thế mạnh cạnh tranh ngay cả với kính sản xuất trong nước nhờ vào giá thành rẻ.

Theo ông Nguyễn Huy Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Kính Cộng, kính được sử dụng càng nhiều với cả nội và ngoại thất. Kính có thể kết hợp với các vật liệu bao che khác để làm đẹp kiến trúc công trình.

Trước lo ngại một số trường hợp kính tự vỡ dù không có lực tác động, ông Thắng lý giải có thể do quá trình lắp đặt sai tiêu chuẩn, bản thân kính cường lực sẽ tự vỡ khi bị thay đổi nhiệt độ quá nhiều. Tuy nhiên, tỉ lệ rủi ro khá thấp, chỉ khoảng 4%.

Xây nhà toàn kính: Coi chừng lợi bất cập hại - Ảnh 1.

Công nhân đang thi công lắp đặt kính cho một tòa nhà. Ảnh: Q.HUY

Không nên lạm dụng

Hiện hệ thống quy chuẩn - tiêu chuẩn của Việt Nam đã khá đầy đủ các quy định cho sản phẩm kính tôi nhiệt và phương pháp lựa chọn lắp đặt. Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng đa số người trong nghề cho rằng không nên lạm dụng kính trong công trình.

Cụ thể, ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc một công ty xây dựng, cho biết việc dùng kính trong xây dựng giúp cho ánh sáng mặt trời phát tán trực tiếp vào nhà ở, tạo cảm giác không gian rộng, thoáng, hiện đại. Tuy nhiên, dùng nhiều kính vô hình trung tạo ra hiệu ứng nhà kính nếu không tính toán kỹ. Ở nhiều cao ốc, kính dùng làm đẹp mặt tiền và tận dụng ánh sáng tự nhiên nhưng thực tế sẽ gây chói mắt và bắt nhiệt nên người ta phải kéo rèm, bật máy lạnh, điện chiếu sáng nhiều khiến điện năng tiêu thụ cao.

Chưa kể việc mở rộng cửa kính chưa chắc tận dụng được nhiều ánh sáng tự nhiên. Bởi khi dùng kính, sự phân bố ánh sáng tự nhiên không đều, chỗ gần cửa sổ thì quá chói chang, xa hơn thì rất tối khiến cho hoạt động thị giác căng thẳng, gây mỏi mệt nhanh chóng cho hệ thần kinh nói chung. Kính kém chất lượng sẽ gây hiện tượng bức xạ nhiệt không đều, không tốt cho sức khỏe người trong nhà.

Kỹ sư Phan Thiên Hưng bổ sung tỉ lệ kính sử dụng bao tòa nhà chỉ nên là 30%-60%. Vị trí đặt kính là cửa sổ, cửa ra ban công với diện tích vừa phải, vẫn nên dùng chủ yếu là tường gạch, tường thạch cao khi ngăn phòng. “Nên chọn mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín và đơn vị thi công, lắp kính cũng phải chuyên nghiệp mới đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn khi sử dụng” - ông Hưng nhấn mạnh.

Đối với kính nội thất cũng nên sử dụng với mật độ thích hợp, hạn chế nguy cơ gia chủ trong quá trình sử dụng bất cẩn làm vỡ, nứt gây nguy hiểm mà sửa chữa cũng rất khó khăn.

Ông Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, cho biết việc sử dụng kính làm mặt bao tòa nhà, tiết kiệm năng lượng đã được quy định chặt chẽ theo QCVN 09:2017 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Quy chuẩn sử dụng kính an toàn cũng đã được quy định tại QC05:2008 - Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe. Vì vậy, nếu các công trình tuân thủ các quy định trên thì sẽ đảm bảo khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả và an toàn khi lắp đặt kính.

Hiệp hội khuyến nghị các chủ đầu tư, người dân sử dụng kính nên chọn đơn vị tư vấn thiết kế uy tín, đơn vị gia công lắp đặt có kinh nghiệm để gia công sản phẩm và lắp đặt đúng. "Hiệp hội đang hoàn thiện và sẽ sớm đề xuất Bộ Xây dựng phê duyệt các tiêu chuẩn - yêu cầu lắp kính an toàn để giúp các đơn vị, người dân sử dụng kính đúng cách, an toàn" - ông Thắng nói.


Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên