Xây thủy điện kiểu "lạ đời", có khả năng tự hút nước bên dưới làm đầy hồ chứa, Trung Quốc giải tỏa cơn khát điện cho vùng sa mạc Gobi và cao nguyên Tây Tạng
Công trình này vừa được Trung Quốc khởi công xây dựng ở tỉnh Thanh Hải. Dự án này được kỳ vọng sẽ cung cấp điện cả trong mùa cao điểm thiếu năng lượng và giải bài toán thiếu nước.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA), nhà bơm - thuỷ điện lớn nhất miền tây nước này đã chính thức được khởi công xây dựng vào cuối tuần trước. Đây là dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, có thể thúc đẩy đáng kể hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo ở sa mạc Gobi và cao nguyên Tây Tạng.
Các nhà máy thuỷ điện như thế này có thể sản xuất ra lượng điện cần thiết trong vài phút và lưu trữ điện năng một cách ổn định. Nguyên tắc hoạt động của các trạm là: Khi công suất thặng dư được tạo ra, nó sẽ được dùng để bơm nước ở một hồ chứa thấp lên một hồ chứa cao hơn, lượng nước này có thể được sử dụng để sản xuất ra lượng điện nhất định để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian cao điểm.
Nhà máy được xây dựng tại quận Quý Nam, phía đông Thanh Hải và sử dụng hồ Laxiwa trên sông Hoàng Hà làm hồ chứa phía dưới với công suất lắp đặp tối đa là 2,8 GW.
Theo Tân Hoa Xã, nhà máy ở Thanh Hải có công suất năng lượng tái tạo lắp đặt cao nhất Trung Quốc. Lưới điện của nhà máy bao gồm 28% năng lượng từ thuỷ điện, trong khi năng lượng mặt trời và gió tổng cộng chiếm 63%. Đến năm 2030, ước tính toàn tỉnh sẽ sản xuất vượt 100 GW điện gió và mặt trời, gấp 3,5 lần công suất lắp đặt hiện tại.
Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với năng lượng gió và mặt trời là sản lượng năng lượng ở mức cao nhất thường không đúng thời điểm nhu cầu đạt đỉnh. Điều này khiến việc lưu trữ trở thành yếu tố cần thiết, nhất là để sử dụng một cách linh hoạt hơn nguồn điện được sản xuất.
Địa phương này đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc xây dựng nơi lưu trữ để đáp ứng khi nhu cầu năng lượng lên mức cao điểm. Theo Hiệp hội Thuỷ điện Quốc tế (IHA), việc xây dựng nhà máy bơm - tích trữ thuỷ điện là rất phù hợp đối với các lưới điện dựa vào năng lượng mặt trời và gió, vì công nghệ này giúp hấp thụ và giải phóng năng lượng dựa theo nhu cầu.
Liu Yongqi, giám đốc bộ phận lưu trữ và năng lượng mới của State Grid, cho biết trạm này sẽ lấp đầy khoảng trống về công suất lưu trữ của tỉnh Thanh Hải và đóng vai trò lớn trong việc cung cấp năng lượng ổn định cho lưới điện.
Trạm thuỷ điện Warang sẽ có công suất lưu trữ 20 triệu kWh và kết nối với lưới điện Thanh Hải thông qua đường dây truyền tải 750 kilovolt. Theo Tân Hoa Xã, khi đi vào hoạt động, lượng điện lưu trữ mà nhà máy cung cấp sẽ tương đương với việc giảm 4,55 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm và cải thiện hoạt động truyền tải năng lượng từ các nhà máy năng lượng mặt trời và gió xung quanh.
Nhà máy này đang được xây dựng cùng 3 dự án khác, theo đó sẽ cải thiện khả năng tiếp cận nguồn điện cho 650.000 người dân.
Xin Baoan, chủ tịch kiêm thư ký của State Grid, cho biết dự án này sẽ “tăng cường đáng kể khả năng phân bổ nguồn lực cho lưới điện và đảm bảo cung cấp nguồn điện an toàn, bền vững.”
Ông cũng nói thêm, các dự án mới cũng sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon, hỗ trợ tạo việc làm ổn định và thúc đẩy đà phát triển trong khu vực.
NEA đã ưu tiên phát triển các dự án bơm - lưu trữ điện để giúp Trung Quốc đạt mục tiêu trung hoà carbon. Theo kế hoạch năm 2021, quốc gia này đặt mục tiêu lắp đặt công suất với các dự án bơm - lưu trữ điện là 62 GW vào năm 2025 và 120 GW vào năm 2030. Trong đó bao gồm việc khởi công xây dựng 200 trạm bơm - thuỷ điện với tổng công suất 270 GW vào năm 2025.
Tham khảo SCMP
Nhịp sống thị trường