Xe buýt nhanh: Chưa chạy đã... lo "vỡ trận"
Theo dự kiến vào 31/12 tới đây, tuyến xe buýt nhanh có điểm đầu ở bến xe Kim Mã và điểm cuối ở bến xe Yên Nghĩa với tổng chiều dài 14,7 km sẽ đi vào hoạt động ở Hà Nội.
- 18-12-2016Xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội: Hy vọng nhưng nhiều hoài nghi
- 15-12-2016Từ 25.12, Hà Nội cấm xe nhường đường cho xe buýt nhanh
- 15-12-2016Xe buýt nhanh: Nguy cơ “vỡ trận” dự án 1.100 tỉ đồng
- 14-12-2016Đề xuất cấm nhiều loại xe giờ cao điểm để xe buýt nhanh… không chậm
Tuyến xe buýt nhanh trên sẽ có giá vé tạm thời là 7.000 đồng/lượt, và hoạt động trong khung giờ 6 đến 9h và 16h đến 19h30 hàng ngày và chạy trên một làn đường riêng.
Trước đó tới ngày 12/12, Hà Nội đã ghép nối thử xe buýt nhanh với nhà chờ, đồng thời rà soát các vấn đề kỹ thuật. Phần hạng mục còn lại chỉ bao gồm sơn kẻ biển báo, tổ chức giao thông để vận hành tuyến xe buýt. Xe máy, xe tải, xe taxi sẽ bị cấm trên một số đoạn đường, trong hai khung giờ mà xe buýt nhanh hoạt động.
Với tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện là 55 triệu USD tức vào khoảng trên 1.100 tỷ đồng bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, cuối cùng sau 2 năm triển khai, tuyến xe buýt cuối cùng cũng sẽ đi vào hoạt động tại Hà Nội.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng nhu cầu đi lại ngày càng cao, dự án xe buýt nhanh là một bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội. Ý nghĩa thì rất tích cực thế nhưng, đã xuất hiện nhiều những ý kiến phản biện đáng chú ý.
Hàng loạt ý kiến lo ngại đã được đưa ra trước thời điểm tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động
Cụ thể, báo Người Lao động đã đặt câu hỏi "Xe buýt nhanh có…nhanh?" khi đăng tải nhiều ý kiến lo ngại của các chuyên gia khi cho rằng việc xe buýt nhanh chạy vào các tuyến đường vốn là điểm đen về ùn tắc giao thông sẽ chỉ làm cho tình trạng này nghiêm trọng hơn. Việc phân cách bằng vạch sơn có thể không hiệu quả khi mà trong giao thông Việt Nam, xe máy thậm chí còn leo lên vỉa hè, nói gì đến vạch sơn liền.
Tương tự trên tờ Tiền Phong, một số chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu phát triển giao thông cho rằng ngăn và cấm đường trên diện rộng sẽ gây ra hệ luỵ lớn, thậm chí hệ luỵ kép đối với giao thông. Trong khi đó năng suất vận chuyển của xe buýt nhanh trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa thực tế chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân.
Trong khi đó, tờ Lao động đã trích dẫn một số ý kiến băn khoăn của người dân trước thời điểm tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động.
Theo đó, nhiều người cho rằng, với những phương án cấm đường phục vụ cho xe buýt nhanh thì vào giờ cao điểm có lẽ những người đi xe máy phải đi lên vỉa hè. Còn một tài xế taxi bức xúc cho rằng nếu có độ 5 tuyến buýt nhanh, taxi chắc chẳng còn đường chạy và có lẽ nên dẹp luôn dịch vụ taxi.
Theo VTV