Xe buýt TPHCM ngày càng vắng khách, vì sao?
Hành khách đón xe buýt ở bến xe Công viên 23/9 quận 1, TPHCM. Ảnh: Hữu Huy
Mặc dù cơ quan quản lý tập trung khá nhiều sự quan tâm và nguồn lực cho giao thông công cộng song lượng khách sử dụng loại hình vận tải này đang có xu hướng giảm dần, ngay cả trong giai đoạn hồi phục sau dịch COVID-19.
- 13-09-2022Top 5 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất đóng góp bao nhiêu vào ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2022?
- 13-09-2022Nằm trong top 10 địa phương đắt đỏ nhất nhưng tỉnh này lại có thu nhập thấp nhất cả nước
- 12-09-2022Địa phương được liên danh của VinaCapital đầu tư 13 tỷ USD phát triển điện gió có tiềm năng gì?
Bất tiện, chạy không đúng giờ...
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), từ năm 2014 đến nay, lượng khách đi xe buýt giảm dần qua từng năm. Trong giai đoạn 2014-2018, lượng khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65%/năm. Đến năm 2019, xe buýt TPHCM phục vụ khoảng 255 triệu lượt khách, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt khách đạt năm 2018. Đến năm 2020, lượng khách đi xe buýt chỉ còn hơn 148 triệu lượt. Năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội, hoạt động xe buýt còn giảm mạnh hơn, chỉ còn 53 triệu lượt hành khách. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng hành khách đi xe buýt vẫn tiếp tục giảm sút.
Các tài xế tại bến xe Công viên 23/9 (quận 1) cho biết, sau đại dịch COVID-19, lượng khách sử dụng xe buýt còn rất khiêm tốn. “Đường sá chật chội, tình trạng kẹt xe, ùn ứ khiến xe di chuyển chậm, tốn nhiều thời gian là một trong những lý do khiến người dân dần dần ít đi xe buýt”- một tài xế tuyến xe buýt 86 chia sẻ.
Chị Trần Thị Hằng (ngụ quận 8) cho rằng do xe buýt không thể chạy nhanh và đúng giờ nên nhiều người chưa muốn đi. “Việc bán vé cũng chưa thuận tiện. Nhiều khi, với những quãng đường gần nhưng do trái tuyến nên hành khách phải mua vé đến 2 lần. Nhiều xe buýt đã cũ, nội thất, máy lạnh hư hỏng, xuống cấp, việc phục vụ của nhân viên cũng chưa tốt nên nhiều người không chọn xe buýt là phương tiện đi làm thường xuyên”- chị Hằng chia sẻ.
Ông Trần Nguyên Thái, Giám đốc chi nhánh phía Nam doanh nghiệp (DN) vận tải Bảo Yến cho biết hiện nay đơn vị đang có 110 xe buýt hoạt động trên 6 tuyến, khắp địa bàn TPHCM. Thế nhưng ở thời điểm này, DN này chỉ vận hành chưa tới 60% số xe, số còn lại phải nằm bãi vì vắng khách.
Là đơn vị trúng thầu tuyến xe buýt số 15 vào một năm trước, đại diện Hợp tác xã (HTX) Vận tải số 28, cho biết từ ngày khai thác gói thầu đến nay, xã viên HTX khó khăn dồn dập bởi doanh thu từ bán vé chỉ đạt 31% doanh thu khoán đấu thầu. Đời sống người lao động khó khăn, nhiều người phải vay mượn để trang trải.
Cũng theo đại diện HTX Vận tải số 28, lượng khách đi xe buýt giảm do tình hình dịch bệnh là bất khả kháng, ngoài dự tính của HTX. Do đó, đơn vị này đã kiến nghị Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM xem xét điều chỉnh mức khoán sản lượng phù hợp tình hình thực tế…
Cần chính sách dài hạn
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM cho biết, hiện nay TPHCM có hơn 90 tuyến xe buýt trợ giá. Ngân sách thành phố hỗ trợ bình quân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng các năm gần đây, sản lượng hành khách liên tục giảm.
Theo ông Tính, trước mắt, Sở GTVT TPHCM và Trung tâm quản lý điều hành cần nhanh chóng điều chỉnh lại hợp đồng thầu hoặc hợp đồng đặt hàng. Trong 2 năm qua, vì dịch COVID-19 nên lượng hành khách giảm 50 - 60%. Nếu tiếp tục đấu thầu xe buýt như lâu nay thì thành phố nên đưa điều kiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về giải pháp lâu dài, ông Lê Trung Tính cho rằng, toàn hệ thống xe buýt của thành phố phải tăng cường chuyến, mở thêm các tuyến; rút ngắn thời gian giữa 2 chuyến từ 15 phút xuống còn 5-7 phút. Đồng thời, xe buýt TPHCM cần ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các địa điểm, giúp hành khách chọn được tuyến đi hợp lý, bớt phải chuyển tuyến. Sở GTVT cần phải trình lên UBND TPHCM một kế sách dài hơi để nâng cấp chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên mọi khía cạnh, từ hạ tầng đến giá vé…
“Chính quyền thành phố nên nghiên cứu chính sách trợ giá dài hạn trong 5 đến 10, thậm chí 20 năm cho vận tải hành khách công cộng, không nên làm theo kiểu “ăn đong từng bữa” như hiện nay. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phải luôn luôn đầu tư và mở rộng. Mặt khác, thành phố cũng cần phát triển chính sách đường ưu tiên và dành riêng cho xe buýt; tăng cường phát triển xe buýt CNG (xe sử dụng khí nén thiên nhiên) và xe buýt điện…”- ông Tính nêu ý kiến.
Theo ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM, trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân quay lại sử dụng xe buýt sau thời gian giãn cách do dịch COVID-19. Hiện nay, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM đang xây dựng kế hoạch tăng chuyến đối với các tuyến xe buýt có trợ giá (dự kiến tăng khoảng 200.000 - 270.000 chuyến từ thời điểm hiện tại đến hết năm 2022).
Tiền Phong