Xe buýt, xe khách Hà Nội 'nằm chờ' đăng kiểm
Hơn 40 nghìn ô tô con tại Hà Nội đang gặp khó khi đăng kiểm. Với xe buýt và xe chở khách, việc này còn khó khăn hơn nhiều vì xe không thể vào nội thành (phố cấm) để xếp hàng.
- 13-03-2023Ô tô từ Hà Nội dồn về, các trung tâm đăng kiểm ở Bắc Ninh quá tải
- 12-03-2023Bình Dương chỉ đạo 'nóng' chống ùn ứ, tiêu cực trong đăng kiểm ô tô
- 12-03-2023Cận cảnh CSGT kiểm định phương tiện ở trung tâm đăng kiểm Hà Nội
Khoảng 1.000 xe buýt chờ được đăng kiểm
Là một trong những đơn vị đứng top đầu về số lượng xe và tuyến buýt tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Xe buýt Bảo Yến) cho biết, sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, 17 tuyến buýt của đơn vị mới được chạy 100% công suất từ giữa năm 2022, tuy nhiên đến cuối năm lại vướng vào chuyện đăng kiểm xe khó khăn.
Theo ông Tuấn, trong 17 tuyến buýt của Cty đang hoạt động chở khách trên địa bàn Hà Nội có 7 tuyến buýt chạy bằng nhiên liệu dầu, phải tuân thủ quy định 6 tháng đăng kiểm một lần. Dịp tháng 2, 3 là chu kỳ đăng kiểm lần đầu tiên của năm lại đúng vào thời điểm các Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tại Hà Nội bị đóng cửa phần lớn, dẫn đến việc đăng kiểm xe buýt gặp khó khăn, phải xếp hàng kéo dài trên đường.
“Do một số xe đăng ký, xếp hàng nhiều ngày nhưng vẫn không thể đăng kiểm, trong khi đó việc chở khách không thể dừng, doanh nghiệp đã phải cắt cử lao động, bỏ chi phí để đưa xe sang tỉnh Vĩnh Phúc đăng kiểm”, ông Tuấn nói.
Lái xe buýt 29B-20504 cho biết, anh phải xếp hàng 1 ngày trước để được đăng kiểm trong sáng 13/3
Với Cty CP dịch vụ Taxi ABC (xe khách ABC), đơn vị vừa có taxi vừa có xe chở khách theo hợp đồng với các trường học và khu công nghiệp, văn phòng. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Cty CP dịch vụ Taxi ABC cho biết, xe chở khách thời gian đăng kiểm chỉ có 6 tháng/kỳ và hầu hết xe của ABC là xe chở khách theo thuê bao cả tháng, do vậy xe không được phép ngừng hoạt động dù chỉ một ngày. Đưa xe ra các tỉnh đăng kiểm rất bất tiện tốn nhiều thời gian, chi phí nhưng nếu không làm vậy thì hoạt động của DN sẽ bị ngưng trệ khi xe hết hạn đăng kiểm.
Tại thời điểm hiện nay, số lượng xe buýt đến chu kỳ đăng kiểm tại 11 DN vận tải đang có khoảng 1.000 xe buýt vận hành trên địa bàn Hà Nội.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có hơn 120 tuyến buýt, số lượng đầu xe hơn 2.000 phương tiện, loại từ 16 đến 45 chỗ.
Theo quy định, xe chở khách mới mua, sau khi chạy hết thời gian 2 năm đầu, đến các năm tiếp theo thì 6 tháng phải kiểm định kỳ 1 lần, do vậy nhu cầu đăng kiểm của xe buýt tại Hà Nội rất lớn.
Hai thời điểm xe cần đăng kiểm nhiều nhất là dịp đầu năm (Quý I) và giữa năm (Quý III). Hiện nay, số lượng xe buýt đến hạn đăng kiểm tại 11 DN vận tải đang vận hành buýt trên địa bàn Hà Nội khoảng 1.000 xe.
Chờ 3 ngày ở ngoại tỉnh để đăng kiểm
Sáng 13/3, trong các loại xe xếp hàng kéo dài hàng trăm mét trước Trung tâm đăng kiểm 2906V - Tam Hiệp (Thanh Trì) có rất nhiều xe buýt. Những xe này cũng đứng yên một chỗ cả tiếng đồng hồ trên đường 70.
Tại khu vực sân chờ phía trong TTĐK 2906V - Tam Hiệp, thời điểm 10h sáng 13/3, PV Tiền Phong ghi nhận, có gần chục xe buýt mang tên các DN vận tải buýt như: Tân Đạt, Cầu Bươu, Xe Khách Nam, Liên Ninh… xếp hàng chờ vào đăng kiểm. Tài xế xe buýt BKS 29B-14427 của Xí nghiệp xe buýt Tân Đạt cho biết, anh vẫn còn may hơn những tài xế xe buýt đang đứng ngoài đường 70.
Theo tài xế xe buýt 29B-14427, nếu đã được đứng trong sân trạm đăng kiểm, kiểu gì xe anh cũng được đăng kiểm trong ngày 13/3, còn đứng ngoài đường thì chưa biết lúc nào đăng kiểm được. Tuy nhiên, tài xế xe buýt 29B-14427 cũng cho biết, để có mặt trong sân vào sáng qua, anh đã xếp hàng từ sáng 12/3 (ngày Chủ nhật).
Anh Dương, Xí nghiệp xe buýt Cầu Bươu - phụ trách tổ quản lý xe đi đăng kiểm tại TTĐK 2906V - Tam Hiệp sáng qua cũng cho biết, đơn vị có 160 xe buýt đang hoạt động, trong tháng 2 và 3 có 60 xe (37%) phải đi đăng kiểm, hiện gần một nửa số xe này đã được đăng kiểm, số còn lại đang phải xếp hàng từng tốp theo ngày tại TTĐK Tam Hiệp.
Với Cty CP Xe điện Hà Nội, đơn vị đang có 160 xe chở khách trên 11 tuyến buýt, tuy nhiên khoảng thời gian từ tháng 3 và tháng 4 đơn vị có đến 80 xe hết hạn đăng kiểm. Trước việc đăng kiểm tại Hà Nội khó khăn và để việc này không ảnh hưởng đến hoạt động chở khách trong tháng 3, hơn một tuần qua, đơn vị đã bố trí nhân lực đưa xe về các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ… để đăng kiểm.
Tuy đến các địa phương này, xe được làm thủ tục đăng kiểm, nhưng do đi xa nên mỗi lần đi một tổ nhân sự làm công tác này mất khoảng 3 ngày. Ông Đào Việt Dũng, Phó Giám đốc Cty CP Xe điện Hà Nội cho biết, tuy chi phí cho một lần đăng kiểm hết khoảng 400 nghìn đồng/xe buýt, nhưng chi phí để một tổ công tác đi ra ngoại tỉnh để đăng kiểm (gồm tiền ăn - nghỉ, phí lưu xe đêm, xăng dầu, cầu đường…) hết khoảng 1 triệu đồng/xe/ngày.
“Với 80 xe hết hạn đăng kiểm trong tháng 3 và tháng 4, nếu phải đi ra ngoại tỉnh đăng kiểm tất cả thì số tiền này không hề nhỏ, nhất là sau thời điểm dịch COVID-19, các đơn vị vận tải đang phải gượng dậy để hoạt động”, ông Dũng nói.
Tiền phong