Xe công dư thừa sẽ được ưu tiên bán cho cán bộ?
Giá ô tô công bán thanh lý quá thấp khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về tính minh bạch trong đấu giá. Có thể sẽ có thêm hàng nghìn xe công được đưa ra bán, vậy việc tính giá có thay đổi gì?
- 10-03-2017Xe công: Vì sao “nuôi” đắt, bán rẻ
- 10-03-2017Cơ quan nhà nước vẫn cố 'ôm' xe công
- 09-03-2017Sửa đổi quyết định khoán kinh phí xe công theo hướng bắt buộc
Hàng nghìn xe được bán
Sau khi thực hiện rà soát ô tô công trên cả nước, các bộ ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính dư ra 2.041 xe và phải thanh lý. Trong số này, tính đến hết năm 2016, các đơn vị đã thanh lý 1.100 xe, trong đó đã báo cáo về Bộ Tài chính 761 xe thanh lý, thu về 35,15 tỷ đồng, bình quân bán được 46,2 triệu đồng/xe.
Trước đó, vào tháng 6/2016, câu chuyện thanh lý xe công từng khiến dư luận xôn xao khi Bộ Tài chính công bố trong nửa năm, các đơn vị báo cáo thanh lý 264 ô tô công. Toàn bộ số xe này nguyên giá 79,68 tỷ đồng, nhưng trị giá còn lại chỉ 390 triệu đồng (trị giá trên sổ sách bình quân 1,4 triệu đồng/xe).
Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiêu chuẩn sử dụng và khoán xe công, nếu phương án được thông qua, số xe phục vụ chung sẽ giảm khoảng một nửa. Cụ thể, số xe phục vụ chung sẽ giảm từ hơn 17.000 xe hiện nay xuống còn khoảng 8.000 xe. Như vậy, sẽ có khoảng 8.000 ô tô công được đưa ra bán, xử lý (chưa kể khoảng 1.000 xe vẫn đang thực hiện thanh lý sau quá trình rà soát vừa qua).
Với số xe dôi dư này, Bộ Tài chính đề xuất trước tiên là bán chỉ định cho chức danh được xe công đưa đón nếu có đề xuất mua lại. Sau đó mới điều chuyển thay xe cũ hoặc bán đấu giá. Những người được đề xuất ưu tiên mua lại xe công có chức danh, hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên, tới chức danh thứ trưởng và tương đương (như: phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, thứ trưởng; phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh thành; phó chủ tịch HĐND, UBND Hà Nội và TPHCM…).
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết, khi ô tô công khấu hao hết, hoặc không còn đủ điều kiện sử dụng sẽ được thanh lý qua đấu giá công khai, tiền thu được sẽ nộp về ngân sách nhà nước. Hiện các quy định về thanh lý, đấu giá tài sản công đều có đầy đủ, phân cấp từ khâu định giá, thông báo mời thầu, tổ chức đấu giá… Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công chịu trách nhiệm quyết định và giám sát tài sản thanh lý (trong đó có xe công). “Quy định đã rõ ràng, nếu đơn vị nào thực hiện không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thắng nói.
Không nên chỉ bán cho cán bộ
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia thị trường giá cả - TS Ngô Trí Long cho rằng, trong trường hợp bán xe công sau khi sắp xếp, cắt giảm, khoán kinh phí sử dụng xe không thể gọi là thanh lý, đây là bán tài sản nhà nước dư thừa. Theo ông Long, tài sản bán thanh lý chỉ khi hết công năng sử dụng, còn xe dôi dư sau khi sắp xếp lại thừa ra nên đem bán dù vẫn còn dùng tốt, trị giá vẫn lớn.
Theo vị chuyên gia, đề xuất của Bộ Tài chính ưu tiên bán chỉ định cho cán bộ có nhu cầu là không nên. “Cán bộ đã có nhiều ưu ái, không nên tăng sự mất cân bằng trong xã hội, khi chúng ta đang cố gắng xóa bỏ điều đó. Rồi việc bán cho cán bộ mức giá nào, cán bộ mua để dùng hay bán lại hưởng chênh lệch… điều đó cũng rất đáng bàn”, ông Long nói.
Ông Long cho rằng, quy định bán đấu giá là để công khai, minh bạch, mọi người đều có cơ hội. Tuy nhiên, thực tế những vấn đề trong đấu giá như quân xanh, quân đỏ, bưng bít thông tin, tạo rào cản… khiến xã hội luôn nghi ngờ về tính công khai của đấu giá tài sản công. Ngay việc nhiều cơ quan bán đấu giá ô tô công theo lô, ông Long cho rằng, cũng tạo thêm rào cản, hạn chế người dân tham gia. “Những khuất tất trong đấu giá tài sản công vừa làm thất thoát tài sản nhà nước, vừa làm mất niềm tin của người dân”, ông Long nói.
TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, mỗi ô tô công chỉ bán được bình quân 46 triệu đồng là thấp. Dù thực tế có xe sử dụng 20-30 năm, hoặc để lâu ngày không dùng nên hư hỏng chỉ bán sắt vụ. “Có xe khi khấu hao trên sổ sách chỉ còn 0 đồng, các đơn vị không sử dụng nhưng vẫn để đó thay vì bán ngay. Xe sau vài năm, thậm chí chỉ vài tháng là xuống cấp, hư hỏng mới đem bán thanh lý và không còn giá trị sử dụng, giá sẽ chẳng còn bao nhiêu. Nếu hết khấu hao bán ngay có thể thu về vài trăm triệu. Ở đây không chỉ câu chuyện giá xe, còn là trách nhiệm của các cơ quan công vụ với tài sản mua từ tiền thuế của người dân”, ông Thịnh nói.
Giữa năm 2016, khi thông tin thanh lý 264 xe công trị giá còn lại chỉ 390 triệu đồng khiến dư luận xôn xao, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh việc bán thanh lý tài sản nhà nước, đặc biệt với ô tô công.
Tiền phong