Xe điện Trung Quốc khiến phần còn lại của thế giới ‘ngủ không yên’: Giá siêu rẻ, vượt mặt từ Mỹ đến Nhật Bản, đến Toyota cũng phải sợ
Xe điện Trung Quốc liệu có độc chiếm toàn cầu?
- 06-01-2024Phát hiện một thị trường cực hấp dẫn cho xe bán tải VinFast: 4/10 xe bán chạy nhất là bán tải, Range, Hilux đều làm 'trùm' tại đây
- 04-01-2024Kho vàng đứng thứ 6 thế giới của Việt Nam được Trung Quốc mạnh tay gom hàng: Thu về hàng tỷ USD kể từ đầu năm, là loại nguyên liệu ‘cứu tinh’ cho quốc gia láng giềng
- 01-01-2024Phát hiện mỏ lithium lớn nhất từ trước đến nay: Giá trị 540 tỷ USD, đủ sản xuất 375 triệu xe điện – Quốc gia này đã giàu càng thêm ‘giàu mất gỡ’
Trong gần 1 thế kỷ, Toyota vẫn luôn tự hào rằng mình có thể cắt giảm chi phí sản xuất cho những chiếc xe phức tạp nhất, có tính kỹ thuật cao nhất.
Tuy nhiên, khi Takero Kato được Toyota giao nhiệm vụ chế tạo xe điện sau chuyến công tác khắp Trung Quốc vào năm 2018, ông bị sốc trước những gì mình chứng kiến.
“Lần đầu tiên, tôi thấy được khả năng cạnh tranh của các linh kiện Trung Quốc”, ông nói. “Nhìn vào những thiết bị mà tôi chưa từng thấy, cũng như hoạt động sản xuất hiện đại của họ, tôi cảm thấy choáng ngợp. Chúng ta đang gặp rắc rối rồi”.
Sự lo sợ của Kato đã đúng.
Năm ngoái, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, theo công ty tư vấn Automobileity có trụ sở tại Thượng Hải. Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng gần gấp 5 lần kể từ năm 2020, đạt gần 5 triệu chiếc vào 2023.
Hơn nữa, trong quý cuối cùng của năm 2023, BYD, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến được hậu thuẫn bởi tập đoàn Berkshire Hathaway, đã lần đầu tiên vượt qua Tesla và trở thành nhà sản xuất bán được nhiều xe điện nhất. Đây chính là tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ đến ngành ô tô trên toàn cầu, nơi những gã khổng lồ về xe đang phải kiêng dè trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Doanh thu BYD chủ yếu đến từ thị trường nội địa, thị trường mà hãng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, phía tập đoàn đang hướng tầm nhìn sang nước ngoài, như một cách để mở rộng quy mô cũng như danh tiếng.
“Không ai có thể sánh ngang với BYD về giá”, Michael Dunne, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Dunne Insights cho biết. “Các phòng họp tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản đang vô cùng bất ngờ”.
Trong khi chính phủ Mỹ đáp trả bằng một loạt các khoản trợ cấp khuyến khích sản xuất trong nước, viễn cảnh hàng triệu ô tô công nghệ cao, giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đổ bộ vào châu Âu chắc chắn sẽ đặt ra một vấn đề nan giải.
Theo các chuyên gia, làn sóng nhập khẩu ô tô giá rẻ từ Trung Quốc có thể là ‘thảm họa’ đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, trong bối cảnh EU đang xem xét cân bằng thuế nhập khẩu để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, việc hạn chế nhập khẩu giá rẻ có thể cản trở sự phát triển của thị trường xe điện vào thời điểm châu Âu đang cố gắng hiện thực hoá mục tiêu trung hoà carbon cũng như cấm hoàn toàn các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035.
Bill Russo, cựu giám đốc Chrysler ở Đông Bắc Á kiêm người sáng lập Automobileity, cho biết 3/4 số ô tô Trung Quốc xuất khẩu ngày nay đều mang động cơ xăng hoặc diesel. Tuy nhiên, chính sự gia tăng của xe điện giá cả phải chăng mới khiến các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu lo lắng.
Trong bài phát biểu vào tháng 9, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phàn nàn rằng thị trường toàn cầu đang tràn ngập xe điện giá rẻ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh hạ giá “thấp một cách quá đáng” thông qua các khoản trợ cấp khổng lồ. EU đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào ngành công nghiệp Trung Quốc như một cách để kìm lại sự tăng trưởng chóng mặt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bị giới hạn về thuế, họ vẫn có thể cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.
Lợi thế của BYD, công ty mà các nhà lãnh đạo trong ngành thừa nhận là mối đe dọa lớn nhất, đến từ chuyên môn sản xuất pin dựa trên lithium. Thương hiệu này, đi lên từ một nhà sản xuất pin điện thoại di động vào những năm 1990 và 2000, đã trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xe điện.
Theo nghiên cứu của Bernstein, pin BYD nằm trong số những loại pin có chi phí thấp nhất thế giới. Mật độ năng lượng cũng gần như cao nhất, từ đó mang lại hiệu suất tốt hơn cho ô tô. Tesla và Toyota đều là khách hàng của BYD trong mảng kinh doanh pin.
Tất cả giúp BYD hạ gục các đối thủ phương Tây. Atto 3, mẫu xe rẻ nhất của hãng. đang được bán với giá 38.000 euro ở châu Âu, trong khi Tesla Model 3 có giá khoảng 43.000 euro tại các thị trường lớn như Đức và Pháp.
BYD đã xuất khẩu gần 250.000 ô tô vào năm ngoái và - ngay cả khi không có thị trường Mỹ hoặc châu Âu - công ty này vẫn tin rằng mình có thể tăng con số trên lên hơn 10 lần trong những năm tới.
“Trung Quốc vẫn sản xuất và mua nhiều xe điện hơn phần còn lại của thế giới. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có đủ công suất để đáp ứng 75% nhu cầu xe điện toàn cầu. Điều đó sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô phương Tây ngủ không yên”, Michael Dunne nói. “Các nhà sản xuất đang bước chân vào thị trường Mỹ. Họ hiểu rằng ngồi yên một chỗ không phải là lựa chọn hay. Họ phải đến Bắc Mỹ. Họ phải tìm đường vào”.
BYD và một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác hiện đang thăm dò thị trường Mexico để tìm kiếm địa điểm sản xuất mới. Dĩ nhiên, các tập đoàn Trung Quốc sẽ gặp một số bất lợi nếu so với các nhà sản xuất ô tô đối thủ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng các công ty như BYD một ngày nào đó sẽ có thể chiếm lĩnh thị trường ô tô Mỹ. Ông Dunne lưu ý rằng giá trung bình của một chiếc ô tô mới ở Mỹ trong năm nay là khoảng 48.000 USD.
“Hãy tưởng tượng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đưa ra mức giá 20.000 USD. Với mức thuế hiện tại là 25%, giá sẽ đẩy tăng lên 25.000 USD hoặc 26.000 USD. Ngay cả vậy, họ vẫn đang ở một vị thế rất tốt”.
Theo: FT, Bloomberg
An ninh tiền tệ