“Xe máy là thủ phạm gây ùn tắc giao thông”
TP HCM phải cần hơn 91 triệu mét vuông đường, gấp 3,5 lần diện tích đang có mới đáp ứng đủ lượng xe máy hiện có hoạt động theo tốc độ cho phép.
- 18-02-2017Giải quyết 37 điểm ùn tắc giao thông
- 09-02-2017Để giảm ùn tắc giao thông: Chuyển trụ sở bộ, ngành khỏi trung tâm
- 24-01-2017Thủ tướng nêu giải pháp quyết định chống ùn tắc giao thông
PGS.TS Phạm Xuân Mai đã nói như vậy tại hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp” tổ chức ở TP HCM vào sáng 20-4. Ông Mai thống kê trung bình mỗi năm, tại TP HCM tăng từ 400.000 đến 450.000 xe máy, khiến ùn tắc giao thông càng trở nên trầm trọng nên cần sớm loại bỏ xe máy khỏi hệ thống giao thông của TP. Đồng thời, TP cũng nên nhìn nhận lại xe máy có được xem là một phương tiện giao thông hay không.
“Ngựa sắt chạy rông”
Đưa ra các dẫn chứng trên quan điểm của mình, PGS.TS Phạm Xuân Mai thống kê TP HCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, khi trung bình có 910 xe máy/1.000 dân. Ông Mai phân tích với quỹ mặt đường tại TP HCM hiện có khoảng 26 triệu mét vuông là không đủ khả năng chưa 75%-80% lượng xe gắn máy hoạt động đúng tốc độ, với diện tích chiếm chỗ khi di chuyển là 12 m2/xe nên TP phải cần đến 91,2 triệu mét vuông mới có thể đáp ứng đủ cho lượng xe máy hoạt động.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, khác với ô tô con, xe máy hoạt động rất “cá nhân”, hầu như không tuân thủ các luật giao thông mà như “một con ngựa sắt chạy rông”. Xe máy đang gây ra nhiều bất tiện, bất lợi và thiệt hại đối với cộng đồng nên nhất thiết phải giảm sự lưu thông của loại phương tiện này.
Xe buýt bị "bao vây" trong hàng ngàn xe máy trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP HCM)
Ông Mai đưa ra hàng loạt các đặc điểm của xe máy trong dòng giao thông hỗn hợp gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông công cộng như luôn xung đột với xe buýt, thường xuyên vượt lên trước các loại xe khác, có thể dừng đậu ở bất cứ địa điểm nào và rất dễ gây tai nạn giao thông…
Đưa ra con số cụ thể, PGS.TS Phạm Xuân Mai nói nhiều năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông tại TP HCM diễn biến ngày càng phức tạp khi số người chết mỗi năm từ 700-800 người, nguyên nhân chủ yếu là do xe máy (chiếm 71%).
Trong khi đó, ông Mai cũng nêu vấn đề về mức tiêu hao nhiên liệu của xe máy lớn hơn rất nhiều so với xe buýt nên chính loại xe này cũng gây ô nhiễm môi trường cao tại TP HCM.
Từ nhiều vấn đề trên, ông thẳng thắn cho rằng TP cần sớm loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông, không thể vì sợ dư luận nói là cấm xe máy thì cứ rón rén nói vòng quanh như kiểm soát xe máy.
Xe máy không nên xem là phương tiện giao thông
PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng xe máy không nên và không được xem là một phương tiện giao thông ở Việt Nam bởi tất cả các nước có nền giao thông và văn hóa phát triển đều không sử dụng xe máy vào mục đích giao thông. Với những tác động xấu và nguy hại đến xã hội, ông Mai đề nghị cần hạn chế sao cho tỉ lệ xe máy tham gia giao thông trong dòng giao thông hỗn hợp xuống thấp dưới 40% và từ đó loại bỏ dần ra khỏi hệ thống giao thông tại TP HCM và Việt Nam.
“Tuy nhiên, chúng ta không thể hạn chế xe máy nếu người dân không có phương tiện để thay thế là hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, 2 việc cần làm là phát triển giao thông công cộng một cách hợp lý ở từng thời gian, đi kèm với hạn chế sự lưu thông của xe máy” – ông Mai đề xuất.
PGS.TS Phạm Xuân Mai đưa ra nhiều biện pháp nhỏ để thực hiện 2 phương án trên, như việc tổ chức quản lý các loại xe gắn máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe, đánh vào phí lưu hành xe, phí kẹt xe, ô nhiễm môi trường… để hạn chế xe máy. Ông Mai cho rằng phải đánh vào kinh tế cho việc sử dụng xe máy để lưu thông, trong đó tập trung vào khu vực trung tâm TP.
“Phải đánh vào kinh tế của người dân và đến khi không chịu được thì sẽ từ bỏ sử dụng xe máy. Nói như thế thì có người sẽ bảo làm thế thì người nghèo sống bằng gì? Tôi cho rằng cứ kêu ca như thế thì không thể phát triển đất nước. Việt Nam bây giờ không còn là một nước nghèo nữa. Phải từ bỏ tư duy đem cái nghèo ra dọa nhau mãi” – ông Mai nói.
PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng cần loại bỏ xe máy khỏi hệ thống giao thông, song song đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng
Mặt khác, cũng theo ông Mai, TP phải có quy hoạch vùng TP HCM, có kết nối với các tỉnh lân cận. Từ đó, TP mới có thể xây dựng các đô thị vệ tinh ở các tỉnh xung quanh, xây dựng nhà ga đường sắt đầu mối… để phát triển hệ thống giao thông công cộng. Song song đó, TP phải có giải pháp phát triển hệ thống xe buýt và xây dựng hệ thống quản lý, điều hành mạng lưới giao thông công cộng mới có thể giải quyết căn cơ những bất cập của ngành giao thông hiện nay.
Người lao động